Giá khoai mì giảm chưa từng thấy trong 10 năm trở lại đây, nông dân thuê đất trồng mì lo ngay ngáy
11:45 - 02/04/2025
Nông dân trồng khoai mì ở Tây Ninh đứng ngồi không yên vì chỉ 2 tháng nữa là vào chính vụ thu hoạch. Trong khi đó, giá khoai mì (sắn) vẫn tiếp tục ở mức thấp, chỉ 1.900-2.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Giá tiêu hôm nay 3/4/2025: Thị trường tiêu thế giới giảm nhẹ
Giá cà phê hôm nay 3/4/2025: Cà phê thế giới giảm nhẹ
Giá lúa gạo hôm nay 2/4/2025: Gạo xuất khẩu giảm giá nhẹ
Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng
Giá khoai mì giảm, nông dân thất thu
Bà Thái Thị Kim Liên, nông dân trồng mì ở xã Chà Là (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) cho biết, mọi năm, giá mì được thu mua ở mức 3.000-3.500 đồng/kg.
Thế nhưng, từ cuối năm 2024 đến nay, giá mì liên tục giảm. Hiện nông dân chỉ bán được giá 1.900-2.000 đồng/kg, đối với mì đủ 30 chữ bột. Nếu chữ bột càng giảm, giá mì càng thấp.
“Trong khi giá mua giống đầu vụ, chi phí phân bón, nhân công thu hoạch và cước vận chuyển đều tăng khiến người trồng mì thất thu”, bà Liên nói.

Nông dân thu hoạch khoai mì ở huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Nguyên Vỹ
Ở xã Suối Đá (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), ông Võ Văn Ten đang trồng 20ha khoai mì. Ông Ten kể, nhiều năm liền, chưa bao giờ thấy giá mì xuống thấp như hiện nay.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật trồng mì thâm canh, hiện ông Ten vẫn có mì để bán cho nhà máy. Ông nhẩm tính vẫn có lời từ 1-2 triệu đồng/ha.

“Dù lợi nhuận thấp nhưng vẫn đỡ hơn nhiều so với nông dân phải thuê đất trồng mì. Với mức giá thấp như hiện này, trừ chi phí công cán, vật tư, nhiều người không có lời, thậm chí lỗ vốn”, ông Ten nói.
Ông Tạ Văn Minh, một thương nhân thu mua khoai mì ở huyện Dương Minh Châu cho biết, giá mì tăng liên tục do tình hình xuất khẩu đi Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu khoai mì trong tỉnh tuy có nhưng không lớn. Nguồn khoai mì được đưa về các nhà máy chế biến ở Tây Ninh chủ yếu nhập về Campuchia, hoặc một số từ các tỉnh thành khác.

Ông Tạ Văn Minh đang thu mua khoai mì tươi của nông dân ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Minh, dự kiến 2 tháng nữa, khoai mì trong tỉnh thu hoạch rộ. Nông dân trên địa bàn tỉnh đang lo lắng vì khi mùa mưa đến, giá vẫn thấp như hiện nay thì khó có lãi.
Nhất là với những người thuê đất trồng mì sẽ bị lỗ nặng. Giá thuê đất có thời điểm khoảng 50 triệu đồng/ha.
“Giá mì phải nằm khoảng 2.500 đồng/kg mới có hy vọng hòa vốn. Nông dân vừa chăm ruộng mì vừa hy vọng giá mì cải thiện và khởi sắc hơn trong thời gian tới”, ông Minh chia sẻ thêm
Giá khoai mì giảm vì thị trường Trung Quốc tiêu thụ chậm
Niên vụ năm nay, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trồng 2.500ha khoai mì. Nhiều nông dân trên địa huyện đang khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị cho vụ tiếp theo.
Ông Võ Thanh Phước, nông dân trồng mì ở xã Tân Hiệp (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cho biết, vụ này, ông trồng giống mì mới HN1 có khả năng kháng bệnh khảm lá và cho năng suất cao.
Bụi mì khi nhổ lên có nhiều củ, to và dài, ước năng suất đạt 30 tấn/ha. Thế nhưng, niềm vui của người trồng mì không trọn vẹn vì giá mì hạ thấp.
Tại vựa thu mua, giá mì chỉ được 1.800 đồng/kg, nếu đủ chữ bột. Còn khoai mì chỉ 25 độ bột thì giá còn có 1.450 đồng/kg.

Nông dân thu hoạch khoai mì ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Chí Tài
Theo ông Phước, do ảnh hưởng thời tiết nắng gắt, chữ bột khó đảm bảo đủ 30 độ, mà chỉ duy trì ở mức trung bình là 25-26 độ bột. Gia đình ông Phước đang phải thuê đất trồng mì nên sau khi trừ chi phí sẽ khó có lời.
Theo Hiệp hội Khoai mì Việt Nam, từ cuối năm 2024, nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc không tăng; một số nhà máy phải bán tinh bột mì với giá rất thấp để quay vòng vốn sản xuất.
Đầu năm 2025, tồn kho tinh bột mì tại Trung Quốc rất thấp nhưng các thương nhân Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch thu mua. Do đó, tồn kho ở các nhà máy trong nước tăng cao hơn thông thường hàng năm.
Đầu tháng 1/2025, giá khoai mì ở mức 2.349-2.598 đồng/kg. Bước sang tháng 2, nhu cầu giao dịch yếu, khách hàng ký từng đơn hàng nhỏ đưa về kho cảng Trung Quốc. Qua tháng 3, tình hình không cải thiện mấy. Tồn kho tinh bột sắn tăng trong khi nguồn nguyên liệu tươi đưa về nhiều.
Hiệp hội Khoai mì Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên có thể sẽ nghỉ vụ sớm hơn các năm trước.

Khoai mì đưa về nhà máy chế biến ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ
Tình hình chính trường thế giới vẫn đang biến động không ổn định, chưa biết triển vọng kinh tế sẽ theo xu hướng tăng hay giảm. Do đó, mặc dù mức giá tinh bột mì đã giảm sâu, nhưng các nhà máy vẫn e ngại rủi ro nên không dám để tồn kho quá lớn. Tính đến ngày 31/3, giá mì vẫn giữ ở mức thấp, 1.998-2.199 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, giá mì giảm thấp do Trung Quốc giảm nhập khẩu mì lát. Hiện tại giá bắp (ngô) xuống thấp, các nhà máy chế biến tại Trung Quốc tăng cường sử dụng bắp thay thế mì lát.
Ông Xuân đề nghị các nhà máy đa dạng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời tăng cường liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến để bảo đảm đầu ra ổn định.
Người trồng mì cũng cần áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, áp dụng biện pháp thâm canh để giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất. “Nông dân cần theo dõi sát diễn biến thị trường và phối hợp với các cơ quan chức năng để có quyết định sản xuất và tiêu thụ hợp lý trong lúc giá mì giảm như hiện nay”, ông Xuân đề nghị.