Giá lợn hơi hôm nay 19/09/2024, miền Bắc lên nhanh
Giá lợn hơi hôm nay 19/9/2024 tiếp tục tăng, miền Bắc lên rất nhanh. Thị trường miền Bắc lượng cung khan hiếm sau đợt bán chạy lũ, khiến giá tăng mạnh, nhiều nơi lên tận 3 giá. Hà Nội chạm mức 70.000 đồng/kg - mức giá cao nhất cả nước; các tỉnh còn lại đồng loạt tăng, dao động trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tại Nam Định tăng 1.000 đồng lên mức 67.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Vĩnh Phúc lên 3 giá ở mức 69.000 đồng/kg; Yên Bái lên 1 giá là 67.000 đồng/kg, Tuyên Quang lên 3 giá và Hà Nam lên 2 giá ở mức 68.000 - 69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi thấp nhất khu vực là 67.000 đồng/kg ở Lào Cai, Yên Bái.
Miền Trung cũng điều chỉnh tăng tại một loạt tỉnh, như tại Thanh Hóa, Nghệ An - đạt cùng mức 67.000 đồng/kg; Hà Tĩnh và Quảng Nam đạt 65.000 đồng/kg. Trung bình vùng đạt 64.600 đồng/kg.
Khu vực miền Nam tăng 1 giá tại Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Hậu Giang; nâng mức trung bình vùng lên đạt 64.300 đồng/kg.
Công ty C.P Việt Nam bán lợn hơi tại miền Bắc 68.500 đồng/kg còn miền Nam giữ mức 66.000 đồng/kg.
Báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 9/2024 của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, giá lợn hơi sẽ tiếp tục neo cao.
Giá duy trì xu hướng tăng từ đầu năm đến nay, mức giá trung bình cả nước đã tăng từ 50.000 đồng/kg (đầu năm) lên hơn 64.000 đồng/kg (hiện tại), mức giá cao nhất đã chạm mốc 70.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi bùng nổ trở lại vào đầu năm nay khiến các hộ nông dân và doanh nghiệp hạn chế tái đàn, vì vậy, xu hướng tăng giá lợn sẽ còn được duy trì khi yếu tố dịch bệnh vẫn đang diễn ra.
Tình hình mưa bão, lũ lụt vừa qua tại miền Bắc đã phần nào làm giảm nguồn cung thịt lợn ra thị trường, bởi thực tế, nguồn cung trong nước đang có sự thiếu hụt. Từ đó, mức giá càng được thúc đẩy tăng tích cực.
Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa phục vụ sản thức ăn chăn nuôi như ngô và khô đậu tương đang ở mức đáy kể từ năm 2022. Điều này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, hỗ trợ cho bà con nông dân và biên lợi nhuận của các công ty chăn nuôi duy trì và mở rộng được biên lợi nhuận nếu quản lý được rủi ro dịch bệnh và cung cấp lượng thịt lợn xuất chuồng lớn ra thị trường.
Trong ngắn hạn, ngành chăn nuôi đang được hỗ trợ chủ yếu từ giá lợn hơi miền Bắc tăng do ảnh hưởng từ bão Yagi và lũ lụt.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Công văn nêu, nguy cơ cao của việc phát sinh dịch bệnh sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng từ ngày 7/9, khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới.
Giới phân tích cho rằng, nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay, bởi việc tái đàn cần nhiều thời gian, lượng lợn giống nhập khẩu năm 2024 thấp.
Dịch tả lợn châu phi vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến số lợn bệnh, chết và tiêu huỷ tăng. Ngoài ra, lượng nhập khẩu thịt lợn không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, mặt bằng giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm trên 3.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 26.000 con gia súc, trên 2,9 triệu con gia cầm bị chết. Đây cũng chính là thiệt hại về nguồn cung thực phẩm lớn cho cuối năm. Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư… sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm, hạn chế nhất ảnh hưởng đến CPI, xuất khẩu, tăng trưởng ngành nông nghiệp.