Gia súc không còn thả rông, đưa khỏi gầm sàn

Gia súc không còn thả rông, đưa khỏi gầm sàn

21:15 - 26/08/2024

SƠN LA Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai phát triển rất tích cực. Bà con không còn thả rông, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Cú hích từ chính sách hỗ trợ

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) đã tập trung hỗ trợ, giúp người dân vay vốn phát triển chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng nuôi nhốt, gắn với trồng cỏ.

Bò cái sinh sản hỗ trợ hộ nghèo ở Quỳnh Nhai giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Văn Thiệu.

Bò cái sinh sản hỗ trợ hộ nghèo ở Quỳnh Nhai giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh: Văn Thiệu.

Xác định chăn nuôi gia súc là thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ về con giống, làm chuồng trại cho người dân.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, từ Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện đã hỗ trợ hơn 4.300 con bò sinh sản, 485 con dê, hỗ trợ làm chuồng trại cho gần 5.000 hộ. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; tư vấn, hướng dẫn nhân dân cách làm chuồng trại, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây ngô, đậu tương... làm thức ăn cho gia súc.

Thực hiện đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2022, huyện Quỳnh Nhai cũng đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện hỗ trợ mô hình chăn nuôi bò sinh sản quy mô 17 con, hỗ trợ cho 09 hộ tại xã Chiềng Khay.

Đến nay, số bò sinh ra từ các thế hệ bò giống được hỗ trợ trên địa bàn huyện đã có trên 6.500 con, xuất bán ra thị trường hơn 6.000 con. Hiện toàn huyện đang tiếp tục duy trì chăn nuôi hơn 11.000 con trâu, gần 23.000 con bò, hơn 13.000 con dê và hơn 223.000 con gia cầm các loại; duy trì gần 600ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi... Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 16,8% năm 2019 giảm xuống còn 4,6% (đến hết năm 2023).

Triển khai Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện Quỳnh Nhai đã hỗ trợ hơn 4.300 con bò sinh sản cho người dân. Ảnh: Văn Thiệu.

Triển khai Chương trình 30a, Chương trình 135, huyện Quỳnh Nhai đã hỗ trợ hơn 4.300 con bò sinh sản cho người dân. Ảnh: Văn Thiệu.

Chiềng Khoang (huyện Quỳnh Nhai) là xã thuần nông nên việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao để cải thiện cuộc sống của người dân thời gian qua luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm thực hiện. Năm 2011, xã được huyện triển khai mô hình nuôi bò nhốt chuồng theo Chương trình 30a, giai đoạn 2011 - 2020, được hỗ trợ 1.693 con bò cái sinh sản, 853 hộ được hỗ trợ làm chuồng trại với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Đây là điều kiện tốt để người dân trong xã tập trung phát triển chăn nuôi.

Không còn thả rông, đưa khỏi gầm sàn

Anh Lò Văn Khải (bản Hán, xã Chiềng Khoang) cho biết: Trước đây, bà con có truyền thống nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức chăn thả, dịch bệnh lây lan nhiều. Từ khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi nhốt, trồng cỏ voi, cây chuối làm thức ăn cho gia súc; được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, bà con đã ý thức được việc nuôi nhốt vật nuôi sẽ giảm được dịch bệnh và chăm sóc được gia súc tốt hơn…

 
Nông dân xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Thiệu.

Nông dân xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Thiệu.

Để đàn bò phát triển theo hướng bền vững, xã vận động nhân dân trồng cỏ voi, chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt gắn với bảo vệ môi trường. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng chống dịch bệnh; tư vấn, hướng dẫn nhân dân sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương làm chuồng trại. Đến nay, toàn xã có hơn 2.500 con trâu, bò; trồng gần 170ha cỏ voi; 100% số hộ đã đưa gia súc ra khỏi gầm sàn...

Ông Lò Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang cho biết: Hiện nay, mô hình nuôi bò nhốt chuồng ở trên địa bàn xã đã mang lại hiệu quả thiết thực, không những cho hiệu quả về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường. Khi nuôi trâu bò nhốt chuồng, người chăn nuôi ít tốn kém thời gian và tiện cho việc chăm sóc vật nuôi, giảm thiểu dịch bệnh. Đảng ủy, UBND xã đã định hướng khoanh vùng, quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa tại các bản có điều kiện về trồng cỏ để phát triển mô hình nuôi bò nhốt chuồng.

Tại xã Mường Sại - xã vùng III của huyện Quỳnh Nhai, ngoài khai thác mặt nước phát triển nuôi cá lồng, chăn nuôi gia súc cũng được xã quan tâm thực hiện tốt. Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua Chương trình 30a, nhân dân trong xã được hỗ trợ 421 con bò giống, 78 con dê, gần 1.600 lượt người tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật.

Gia súc được người dân chuyển đổi từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt. Ảnh: Văn Thiệu.

Gia súc được người dân chuyển đổi từ hình thức chăn thả sang nuôi nhốt. Ảnh: Văn Thiệu.

Trước đây, chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã chủ yếu là thả rông, người dân ít quan tâm đến phòng bệnh nên gia súc hay bị bệnh, chết. Qua tuyên tuyền, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ gia đình đã chú trọng tiêm vacxin định kỳ hàng năm, chuyển chăn thả sang nuôi nhốt gắn với trồng cỏ voi, tích trữ rơm rạ sau mỗi vụ gặt và ủ chín thức ăn cho gia súc.

Toàn xã hiện có 530 con trâu, hơn 2.000 con bò, đàn lợn trên 2 tháng tuổi hơn 1.200 con. UBND xã đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng tăng đàn, phát triển vật nuôi, tạo sinh kế và thu nhập cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Từ đầu năm 2024 đến nay, đàn gia súc, gia cầm của huyện phát triển ổn định, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ do giá bán thịt hơi giảm, tuy nhiên bà con vẫn tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững.

UBND huyện Quỳnh Nhai cũng đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác giám sát dịch và phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh các khâu dịch vụ trong chăn nuôi, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng; quan tâm chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng đối với các vùng chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới.

Quỳnh Nhai phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025. Ảnh: Văn Thiệu.

Quỳnh Nhai phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2025. Ảnh: Văn Thiệu.

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang chăn nuôi gần 34.000 con gia súc, tập trung ở các xã như Chiềng Khay, Mường Giôn, Chiềng Khoang, Mường Sại… Toàn huyện có trên 600ha cỏ phục vụ chăn nuôi.

Đến các xã, bản ở Quỳnh Nhai, rất dễ bắt gặp những vạt cỏ được tận dụng trồng ven đường, trên đồi, trên nương, bãi đất trống hay những vườn chuối xanh tốt được trồng ngay trong vườn nhà, giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn để chăm sóc tốt đàn vật nuôi.