Giá tiêu cán mốc 100.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở Bình Phước lại tiếc hùi hụi vì điều này

Giá tiêu cán mốc 100.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở Bình Phước lại tiếc hùi hụi vì điều này

21:34 - 17/03/2024

Sau nhiều năm giá tiêu duy trì ở mức thấp, năm nay, giá tiêu đã phục hồi trở lại ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu vui cho người trồng tiêu Bình Phước sau nhiều năm chật vật bởi giá cả.

Giá tiêu tiếp tục tăng vọt, Đắk Lắk kéo giá tiêu lên cao vút, vượt xa các tỉnh Tây Nguyên khác
Giá cà phê đột ngột giảm cuối tuần, cà phê Đắk Lắk tụt xuống thấp gần bằng Lâm Đồng
Chuyển đổi hữu cơ ở vùng chè được dãy Tam Đảo che chở
Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn
Công nghệ chế biến lúa gạo thu hút sự quan tâm

 Giá tiêu tăng cao, lại được mùa

Vườn tiêu 8 năm tuổi rộng hơn 2 ha của gia đình ông Lê Quang Cường ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, niên vụ 2022-2023 chỉ thu được hơn 2 tấn. Vụ mùa năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt nên vườn tiêu đạt sản lượng hơn 4 tấn. 

Theo ông Cường, vụ mùa năm ngoái khi thời điểm tiêu trổ bông gặp mưa nhiều nên không đậu trái, còn niên vụ này, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu trái cao. Bên cạnh đó, vườn tiêu của gia đình ông trồng theo hướng hữu cơ nên được Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thu mua với giá 105.000 đồng/kg.

Ông Cường phấn khởi: “Vụ mùa năm nay, vườn tiêu cho năng suất cao hơn niên vụ 2022-2023 nhiều, lại được giá. Năm ngoái vườn tiêu thất mùa mà giá chỉ 70.000 đồng/kg, năm nay giá hơn 100.000 đồng/kg. Người trồng tiêu năm nay rất phấn khởi vì được mùa, được giá”.

Còn vườn tiêu hơn 1.300 nọc của gia đình ông Trần Đăng Nhuệ ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp dù đã bước sang năm thứ 13 nhưng sản lượng cao hơn niên vụ trước khoảng 0,8 tấn. Mùa vụ năm ngoái, ông Nhuệ bán giá 56.000 đồng/kg, năm nay bán 97.000 đồng/kg. Vì vườn tiêu của gia đình ông không trồng theo hướng hữu cơ nên các thương lái trả giá thấp hơn. Tuy nhiên, với sản lượng và giá cả mùa vụ năm nay đã giúp gia đình ông cũng như nhiều hộ trồng tiêu khác có lãi. Đây là tín hiệu vui cho người trồng tiêu.

Giá tiêu cán mốc 100.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở Bình Phước lại tiếc hùi hụi vì điều này- Ảnh 1.

Ông Trần Đăng Nhuệ ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) phấn khởi vì hơn 1.300 nọc tiêu của gia đình năm nay trúng mùa, được giá.

Tái cơ cấu vườn

Vụ tiêu năm nay, bên cạnh những hộ trúng mùa, được giá thì cũng không ít vườn đạt năng suất thấp. Bởi sau nhiều năm giá tiêu duy trì ở mức thấp, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nên người dân không có điều kiện chăm sóc. 

Có những vườn tiêu hơn 600 nọc nhưng sản lượng chỉ đạt hơn 1 tạ, thậm chí rất nhiều chủ vườn bỏ hoang dẫn đến vườn tiêu ngày một già cỗi và chết dần. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp huyện, thời kỳ cao điểm Bù Đốp có đến hơn 4.000 ha, tuy nhiên hiện toàn huyện chỉ còn gần 3.000 ha hồ tiêu.

 

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Đốp cho biết, không chỉ cây tiêu mà tất cả cây trồng khác, yếu tố giá cả thị trường tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện giảm mạnh trong thời gian qua.

Sau nhiều năm liền tiêu mất mùa, rớt giá, vụ mùa năm nay giá đang phục hồi trở lại là tín hiệu vui cho người trồng tiêu. Hiện rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đã và đang tái cơ cấu vườn tiêu. Gia đình chị Hà Thị Lơi ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến trước đây có gần 2 ha tiêu. 

Giá tiêu cán mốc 100.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở Bình Phước lại tiếc hùi hụi vì điều này- Ảnh 2.

Với giá tiêu khởi sắc trở lại, chị Hà Thị Lơi ở ấp Tân Nghĩa, xã Tân Tiến sẽ tái cơ cấu trồng lại diện tích tiêu đã chết.

Do một thời gian dài giá tiêu thấp, không chăm sóc vườn nên tiêu già cỗi và chết gần 1/2 diện tích. Năm nay tiêu được mùa, được giá nên chị dự định đầu tư trồng lại diện tích tiêu đã chết, đồng thời chăm bón thêm phần tiêu còn lại với hy vọng gặt hái được kết quả tốt trong mùa vụ tới.

Chị Lơi chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với cây tiêu đã gần 20 năm, đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thời gian qua, gia đình gặp khó khăn vì giá tiêu thấp, không có tiền để chăm sóc nên vườn tiêu chết nhiều. Năm nay tiêu được giá, gia đình sẽ dành vốn để tái đầu tư vườn và phòng bệnh tốt để đạt năng suất cao”.

Ông Hoàng Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: Hiện xã Tân Tiến còn khoảng 300 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu trên 10 năm tuổi chiếm gần 50%. Trước thực trạng giá tiêu phục hồi khởi sắc, rất nhiều hộ trồng tiêu đã và đang dự định tái cơ cấu lại vườn. Tuy nhiên, để tránh rủi ro, người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay để chạy đua mở rộng diện tích.