Giá tiêu tăng cao, nông dân tiếc vì năng suất thấp do giảm đầu tư

Giá tiêu tăng cao, nông dân tiếc vì năng suất thấp do giảm đầu tư

19:17 - 13/07/2024

Giá tiêu đang tăng cao, nhưng nông dân tiếc nuối vì những năm qua do giá ‘tuột dốc’ nên người trồng tiêu giảm đầu tư, năm nay vườn tiêu cho năng suất thấp.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Nông dân tiếc nuối

Trong bối cảnh năm nay giá tiêu không ngừng tăng, hiện tiêu hạt đang đứng ở mức cao, nhưng các vườn tiêu ở Bình Định cho năng suất thấp khiến nông dân tiếc nuối. Nguyên nhân do những năm gần đây giá tiêu luôn đứng ở mức thấp, nên người trồng tiêu giảm mức đầu tư.

Ông Đặng Văn Cấp (75 tuổi), người sở hữu 7.000 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định), hiện rất tiếc rẻ vì giá tiêu đang không ngừng tăng cao, nhưng vườn tiêu của ông cho năng suất giảm đến 1/3 so với trước đây.

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Cấp, những năm gần đây giá tiêu luôn duy trì ở mức thấp, chỉ 30.000đ-40.000đ/kg, sau đó tăng dần nhưng chỉ dừng lại ở mức 60.000đ-70.000đ/kg, nên hầu như người trồng tiêu ở Hoài Ân không màng đầu tư cho cây tiêu. Gia đình ông Cấp cũng không ngoại lệ, 7.000 trụ tiêu trong trang trại ở xã Ân Tường Đông chỉ được ông đầu tư chăm sóc đủ giữ cho cây tiêu khỏi bị chết, năng suất cho đạt bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trước khi vào vụ thu hoạch năm nay, ông Cấp chẳng kỳ vọng mấy vào 7.000 trụ tiêu vì nghĩ giá bán cũng thấp như năm ngoái.

Do đó, mọi tiềm lực của gia đình ông Cấp đều dồn hết cho 1.000 cây bưởi và 30 cây sầu riêng. Đó là nguyên nhân năm nay mỗi trụ tiêu của ông Cấp chỉ cho thu hoạch được khoảng trên dưới 2kg, ước tính trong năm nay gia đình ông Cấp thu hoạch được khoảng 14 tấn tiêu hạt.

Trang trại 7.000 trụ tiêu của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trang trại 7.000 trụ tiêu của ông Đặng Văn Cấp ở thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện nay thương lái ở Hoài Ân nườm nượp đổ về các vườn tiêu để săn lùng mua tiêu hạt với giá 165.000đ-170.000đ/kg, trong khi năm ngoái giá tiêu loại 1 chỉ 60.000đ-70.000đ/kg. Ấy vậy mà vườn tiêu 7.000 gốc của tôi không có tiêu để bán. Đến giờ này mà thương lái còn tìm đến vườn đặt tiền cọc mua tiêu mà tôi không dám nhận, tiếc ơi là tiếc”, ông Đặng Văn Cấp chia sẻ.

Ông Lê Văn Chức (58 tuổi) ở xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân, Bình Định), nhớ lại: Năm 2019 là năm giá hồ tiêu “lao vực”. Từ đỉnh giá 234.000đ/kg vào năm 2016, bước sang năm 2017 giá tiêu hạ chỉ còn 190.000đ/kg, năm 2018 giá tiêu tiếp tục giảm chỉ còn 100.000đ/kg. Đến năm 2019 giá tiêu mới thực sự “tuột đáy”, chỉ còn 45.000đ/kg. Năm ấy, dù tiêu chưa đến kỳ thu hoạch mà nông dân đã không còn màng đến chăm sóc vườn tiêu, vì lo tiền bán tiêu không đủ trả công hái.

Từ đó đến nay, giá tiêu ở Bình Định chưa năm nào “ngóc đầu” lên nổi, đến năm 2023 giá tiêu vẫn cầm chừng ở mức 60.000đ-70.000đ/kg. Với mức giá này, người trồng tiêu chẳng dám đầu tư mạnh. Bởi, nếu đầu tư mạnh thì tiêu sẽ cho trái nhiều, đồng nghĩa chủ nhà vườn phải thuê nhiều công hái. Thế nhưng giá tiêu chỉ 60.000đ-70.000đ/kg thì tiền bán tiêu chưa đủ bù chi phí đầu tư, lấy đâu ra tiền trả công lao động hái tiêu.

“Vậy nên nhiều vườn tiêu bị nông dân bỏ mặc chết dần chết mòn, nhiều chủ nhà vườn “bấm bụng” phá dỡ những trụ tiêu đang phát triển để trồng các loại cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, diện tích trồng tiêu trên địa bàn giảm mạnh. Năm nay, giá tiêu đột ngột tăng cao mà nông dân không có tiêu để bán”, ông Chức cho hay.

Năm nay, giá tiêu đột ngột tăng cao mà nông dân không có tiêu để bán. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay, giá tiêu đột ngột tăng cao mà nông dân không có tiêu để bán. Ảnh: V.Đ.T.

 

Bất chấp khuyến cáo, diện tích hồ tiêu tăng nóng

Vào thời “hoàng kim”, diện tích trồng tiêu tại nhiều địa phương ở Bình Định tăng nhanh đến chóng mặt. Huyện trung du Hoài Ân là địa phương có diện tích hồ tiêu tăng nóng nhất. Nếu như trước năm 2015 diện tích hồ tiêu ở Hoài Ân mới chỉ 340 ha, bước sang năm 2016 đã tăng đến 476 ha, có nghĩa chỉ trong 1 năm 2015 mà nông dân huyện này đã đồng loạt trồng mới đến 136 ha. Các xã trồng nhiều hồ tiêu nhất ở Hoài Ân là: Ân Thạnh, Ân Hữu, Ân Đức và Ân Tín. Ở thị xã Hoài Nhơn diện tích hồ tiêu cũng tăng nhưng tăng nhẹ, đến năm 2019 diện tích hồ tiêu ở địa phương này đạt hơn 120 ha…

Thời điểm giá hồ tiêu ở Bình Định tăng cao và ổn định, nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc để tăng năng suất. Hồ tiêu được trồng với mật độ thưa hơn, thoát nước tốt, sử dụng hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt; hạn chế sử dụng phân hóa học, thay bằng sử dụng phân chuồng, phân vi sinh; sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng để phòng bệnh mang lại hiệu quả.

Thời ấy, trên địa bàn huyện Hoài Ân ra đời “Câu lạc bộ những người thích trồng tiêu”, còn ở thị xã Hoài Nhơn thì thành lập 5 chi hội trồng tiêu ở các xã, phường: Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Tân, Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây để hướng nông dân phát triển hồ tiêu bền vững. Thông qua các câu lạc bộ và chi hội trồng tiêu, nông dân được ngành chức năng chuyển giao kỹ thuật; quy trình quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây tiêu; nhờ đó, người trồng tiêu ngày càng nắm vững kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây hồ tiêu bền vững, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư.

Do thấy cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao ngất, nên diện tích trồng tiêu vẫn âm thầm tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát. Ảnh: V.Đ.T.

Do thấy cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao ngất, nên diện tích trồng tiêu vẫn âm thầm tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, trước bối cảnh nông dân đua nhau trồng tiêu, chính quyền các địa phương phát triển nóng cây hồ tiêu đã khuyến cáo nông dân không nên trồng tiêu ồ ạt, cũng không nên trồng diện tích quá lớn trong 1 hộ để tránh những rủi ro sau này. Ấy thế nhưng do thấy cây tiêu cho hiệu quả kinh tế cao ngất, nên diện tích trồng tiêu vẫn âm thầm tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát. Đến khi “thời vàng son” của cây tiêu “vụt tắt”, nông dân khốn đốn vì hàng trăm, hàng ngàn trụ tiêu chiếm hết đất vườn mà chẳng mang lại lợi lộc gì.

Khi ấy, chính quyền thị xã Hoài Nhơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương khẩn trương quy hoạch lại những vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển cây hồ tiêu nhằm để quản lý tốt và cân đối nhu cầu có lợi cho nông dân. Địa phương này còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển hồ tiêu 1 cách lâu dài; kết hợp giữa đầu tư sản xuất, chế biến, thu mua, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tạo nền tảng phát triển cây hồ tiêu bền vững.

Năm nay giá tiêu đột ngột tăng cao, dù không chắc đó là tín hiệu phục hồi lâu dài, nhưng người trồng tiêu có thu nhập cao, đây là cơ hội để sau khi thu hoạch vụ này, nông dân tăng mức đầu tư cho vườn tiêu của mình với kỳ vọng năm tới năng suất hồ tiêu tăng cao, đồng nghĩa cho thu nhập cao hơn.

Do giảm mức đầu tư chăm sóc nên năm nay vườn tiêu của ông Đặng Văn Cấp cho năng suất chỉ đạt 2kg/trụ tiêu. Ảnh: V.Đ.T.

Do giảm mức đầu tư chăm sóc nên năm nay vườn tiêu của ông Đặng Văn Cấp cho năng suất chỉ đạt 2kg/trụ tiêu. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm nay gia đình tôi ước tính thu được hơn 2 tỷ đồng từ 7.000 trụ tiêu. Tôi sẽ sử dụng khoản tiền thu từ cây tiêu năm nay đầu tư thích đáng cho vườn tiêu trong năm tới. Cây tiêu được đầu tư tốc lực chắc chắn năm tới sẽ cho năng suất đạt ít nhất là 3kg/trụ tiêu, sang năm gia đình tôi có thể thu hoạch được 21 tấn tiêu. Tiêu trồng ở Hoài Ân luôn có giá hơn tiêu trồng ở nơi khác 10.000đ/kg. Không biết phải do thổ nhưỡng hay không mà tiêu ở Hoài Ân vừa cay vừa thơm hơn tiêu trồng ở nơi khác”, ông Đặng Văn Cấp chia sẻ.

“Những năm trước đây giá tiêu xuống thấp, thu nhập bấp bênh, nên cây tiêu ở Hoài Ân không được nông dân đầu tư chăm sóc thích đáng, nhiều diện tích bị chết hoặc phá bỏ để trồng thay vào những cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hơn như bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm… Hiện trên địa bàn huyện Hoài Ân chỉ còn khoảng 270 ha, giảm 1 nửa diện tích so với trước đây”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.