Giấc mơ mắc ca Tây Bắc Doanh nghiệp cạn vốn

Giấc mơ mắc ca Tây Bắc Doanh nghiệp cạn vốn

11:39 - 26/04/2025

ĐIỆN BIÊN Doanh nghiệp cạn vốn, người dân thiếu quyết tâm, kiên trì nên dù tiềm năng lớn nhưng con đường phát triển cây mắc ca ở huyện Điện Biên còn lắm chông gai.

Việt Nam trên hành trình xanh
Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 2] Để hương trà níu chân du khách
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc
Ruộng sạch, lúa khỏe nhờ thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Hạt điều Việt: từ nông trại tới bàn ăn thế giới

Huyện Điện Biên - vùng đất quanh năm gió Lào thổi rát mặt, đất khô cằn, nguồn nước khan hiếm được chọn làm một trong những trung tâm phát triển cây mắc ca từ năm 2021. Hơn 1.800ha đất dốc được quy hoạch, những dự án bạc tỷ khởi động, mang theo bao kỳ vọng giữa lòng Tây Bắc. Nhưng chặng đường gặt hái thành quả từ cây mắc ca còn lắm gian nan.

Cây không dễ chiều

Khi những gốc mắc ca còn chập chững bám rễ thì các doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển cây trồng này đã bắt đầu "ngồi trên đống lửa" bởi nguồn vốn đầu tư cạn dần, ngân hàng quay lưng, còn chi phí đầu tư chăm sóc thì từng ngày làm món ý chí kiên trì của người dân, doanh nghiệp.

Chăm sóc cây mắc ca tốn rất nhiều thời gian, công nhân phải tỉa cành, tạo tán cẩn thận theo đúng hướng dẫn. Ảnh: TT.

Chăm sóc cây mắc ca tốn rất nhiều thời gian, công nhân phải tỉa cành, tạo tán cẩn thận theo đúng hướng dẫn. Ảnh: TT.

Cách trung tâm huyện Điện Biên chừng 5km, vùng trồng mắc ca của Công ty TNHH HL Điện Biên trải rộng 70ha trên triền đồi Pu Tỉu. Những đồi mắc ca xanh mướt xen lẫn những khoảnh đồi lốm đốm mảng trắng trồng sắn.

Anh Lường Văn Linh, kỹ thuật viên của Công ty TNHH HL Điện Biên chia sẻ: “Vùng này quy hoạch cho nhiều doanh nghiệp cùng phát triển cây mắc ca. Nhưng thực tế chỉ những khu vực đã nhận chuyển nhượng đất mới có thể trồng, còn khu vực liên kết với bà con thì vẫn bỏ trống”.

Mắc ca không phải cây dễ chiều và cho thu nhập ngay mà phải mất khoảng 10 năm mới cho hiệu quả ổn định. Ba năm đầu tiên, từng gốc cây cần sự chăm chút tỉ mỉ từng ngày. Cả vùng trồng áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, đất đồi dốc được thiết kế thành từng băng đồng mức rộng 1,5m để trồng mắc ca, mỗi băng cách nhau 6m, các hố trồng so le nanh sấu cắm sâu vào sườn đồi. Mọi công đoạn từ san băng, đào hố tới dẫn nước đều phải thực hiện thủ công. Không có máy móc, chỉ có bàn tay con người.

Những cây mắc ca ra hoa lứa đầu, chờ ngày bói quả. Ảnh: Đức Bình.

Những cây mắc ca ra hoa lứa đầu, chờ ngày bói quả. Ảnh: Đức Bình.

Đón gió Lào suốt từ tháng 3 đến tháng 7, đỉnh Pu Tỉu luôn chịu sự khắc nghiệt của thời tiết. Để cây không ngã, kỹ thuật tỉa cành, tạo tán được thực hiện cẩn thận, tầng cành cấp 1 cách mặt đất 50 - 70cm, phân cành cấp 2 cách cành cấp 1 từ 30 - 40cm, phân cành cấp 3 cách cành cấp 2 từ 30 - 40cm, đảm bảo chiều cao cây chỉ dao động từ 3 - 4m...

Mùa mưa tiếp bước từ tháng 7 đến tháng 9 mang theo hiểm họa sốc nước, đe dọa bộ rễ non yếu nên những rãnh thoát nước được thiết kế cẩn thận.

Công ty trồng xen cỏ lạc, thài lài để chống xói mòn, giữ ẩm cho đất. Công tác phát cỏ được tiến hành ba lần mỗi năm vào khoảng tháng 4, tháng 7 và tháng 10 để kiểm soát chặt chẽ độ cao của cỏ ở mức 40 - 50cm, đảm bảo không tranh chấp dinh dưỡng với cây mắc ca. Trung bình chi phí phát cỏ khoảng 1 triệu đồng/lần/ha.

Giai đoạn tháng 4, tháng 5 là thời điểm thích hợp để bổ sung dinh dưỡng cho cây mắc ca, bón kết hợp phân NPK và phân chuồng ủ hoai. Đến tháng 10 khi thời tiết trở lạnh, cây bước vào giai đoạn phát triển ổn định, việc bón phân cần có sự điều chỉnh phù hợp để cây ra hoa vào đúng tháng 2 - thời điểm ít mưa nhất.

"Khát" lao động

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca đã vững. Nhưng bài toán về con người, những bàn tay duy trì sự sống cho từng gốc cây lại trở thành thách thức không dễ vượt qua.

Anh Lường Văn Linh chia sẻ, phần lớn công việc trong vùng trồng mắc ca trên đỉnh Pu Tỉu phải thực hiện hoàn toàn thủ công khiến chi phí lao động đội lên rất cao, trong khi nhân công tại địa phương cũng không mặn mà. Một số người trẻ đã rời bản, về xuôi tìm việc, số khác chọn làm công nhân tại thành phố Điện Biên Phủ - nơi có thu nhập ổn định và công việc đỡ vất vả hơn.

Những đồi mắc ca trải dài khắp sườn núi. Ảnh: Tú Thành.

Những đồi mắc ca trải dài khắp sườn núi. Ảnh: Tú Thành.

Hiện Công ty TNHH HL Điện Biên có 16 kỹ thuật viên và công nhân với mức lương trung bình khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty áp dụng chế độ lương ngoài giờ 200%, ngày lễ Tết 300%, thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội. Nhưng những chế độ đó vẫn chưa thể giữ chân được người lao động lâu dài. 

Khác với những cây trồng ngắn ngày có thể khoán công theo giờ, mắc ca là cây đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ suốt tuần. Mỗi cây, mỗi băng đất đều cần đôi tay lành nghề, kiên nhẫn, phải học và hiểu mới làm được.

Anh Quàng Văn Khiêm, công nhân đã gắn bó hơn 2 năm với đỉnh núi Pu Tỉu chia sẻ thật lòng: “Bà con bây giờ thích việc thời vụ, trả tiền công theo giờ, ít ai muốn gắn bó dài lâu. Nhưng chăm mắc ca thì không thể làm qua loa. Một bước sai nhỏ trong kỹ thuật tỉa cành, tạo tán cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất lâu dài sau này”.

Con đường dẫn lên vùng trồng mắc ca ở đỉnh Pu Tỉu chủ yếu là đất đá, lởm chởm, gập ghềnh. Mùa khô bụi cát mịt mù, mùa mưa đất nhão như bùn, xe máy cũng không thể di chuyển. Cả kỹ thuật viên lẫn công nhân phải ở căn nhà tạm, bám trụ giữa đồi núi, vừa để gần vườn chăm sóc, vừa tránh quãng đường di chuyển gian nan. Cuộc sống thiếu thốn, tạm bợ ấy càng khiến nhiều người chùn bước.

Cạn vốn...

Năm 2022, Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để tạo đòn bẩy cho vùng trồng, các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt với tỷ lệ cho vay lên tới 80% tổng giá trị dự án trồng mắc ca.

Ông Dương Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH HL Điện Biên nhớ lại: “Ban đầu, việc tiếp cận vốn khá thuận lợi. Chúng tôi và một số doanh nghiệp khác được ngân hàng hỗ trợ giải ngân đúng hạn, mở ra kỳ vọng rất lớn về việc mở rộng nhanh các vùng trồng mắc ca”.

Lãnh đạo huyện Điện Biên thăm vùng trồng mắc ca của Công ty TNHH HL Điện Biên. Ảnh: TT.

Lãnh đạo huyện Điện Biên thăm vùng trồng mắc ca của Công ty TNHH HL Điện Biên. Ảnh: TT.

Thế nhưng, sự thuận lợi ấy không kéo dài lâu. Sau các đợt đánh giá nội bộ, phía ngân hàng cho rằng hoạt động của một số doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, có dấu hiệu sử dụng vốn chưa đúng mục đích đề ra.

Kết quả, toàn bộ các khoản vay trong khuôn khổ dự án mắc ca tại khu vực bị dừng giải ngân. Các hợp đồng tín dụng lần lượt bị chấm dứt, giấc mơ lớn nay đối diện với hiện thực nợ nần trước mắt.

Không kịp trở tay, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, trong đó có Công ty TNHH HL Điện Biên - đơn vị đã mạnh dạn đầu tư phát triển hơn 230ha mắc ca với 3 phương thức tích tụ đất gồm liên kết sản xuất với người dân, nhận góp vốn với người dân để trồng và chuyển nhượng đất để trồng mắc ca.

Hiện tại, vùng trồng mắc ca 230ha của Công ty chủ yếu tập trung tại 2 xã của huyện Điện Biên gồm Thanh An (70,45ha) và diện tích còn lại ở xã Thanh Xương, toàn bộ kinh phí đầu tư, chăm sóc đều phải tự thân vận động. Mô hình liên kết với bà con vốn được kỳ vọng là "cánh tay nối dài" đến nay vẫn chưa thể triển khai.

“Nguyên nhân chính là giờ không còn tiền để liên kết”, ông Chính thẳng thắn. Cạn vốn, cộng với việc ngân hàng không còn đồng hành khiến Công ty chỉ còn cách "tự lực cánh sinh", duy trì phần diện tích mắc ca ở vùng lõi bằng mọi giá.

Trong khi đó, bà con địa phương sau những thất bại của một vài dự án trước cũng trở nên dè dặt. Tâm lý muốn thoát nghèo nhanh khiến họ ưu tiên những cây trồng ngắn ngày, dễ cho "quả ngọt" ngay, thay vì phải chờ đợi năm này qua năm khác như với mắc ca. 

Ông Nguyễn Gia Tuấn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Điện Biên thẳng thắn: “Huyện có tiềm năng rất lớn để phát triển mắc ca, nhưng doanh nghiệp thiếu vốn, người dân thiếu niềm tin, hai nút thắt ấy chưa gỡ được thì cây mắc ca khó lòng bật lên thành thế mạnh”.

Hiện nay, trong tổng số hơn 1.800ha quy hoạch trồng mắc ca, chỉ còn hơn 300ha vẫn đang được duy trì. Phần lớn đất đồi dốc còn lại bà con tận dụng để trồng sắn, ngô. Trong khi đó, nguồn nước khan hiếm càng khiến việc chuyển đổi cây trồng trở nên khó khăn.