Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ, khi dân tiếp cận được thao tác thành thạo ứng dụng số

Giảm nghèo bền vững ở Phú Thọ, khi dân tiếp cận được thao tác thành thạo ứng dụng số

12:11 - 18/02/2025

 Đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn với thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã tác động mạnh mẽ tới việc thay đổi tư duy, nhận thức thoát nghèo của người dân ở huyện miền núi Cẩm Khê, Phú Thọ.

Giá cao su hôm nay 20/2/2025: Thị trường đang phục hồi
Giá tiêu hôm nay 20/2/2025: Thị trường ổn định
Chanh tươi rớt giá, chỉ 2.000 - 2.500 đồng/kg
Nuôi ong tạo hương vị mật theo mùa hoa
Có một Đồng Giao trên đất Hà Tĩnh

 

Thực hiện Tiểu dự án 1 giảm nghèo về thông tin (thuộc Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin) của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để người dân được tiếp cận nguồn thông tin hữu ích, góp phần thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo.

 
Chuyển đổi số giúp người dân kết nối, tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả ở Phú Thọ - Ảnh 1.

Tại các xã huyện Cẩm Khê cũng đã chủ động thiết lập các nhóm Zalo trong cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng, nên người dân dễ dàng nắm bắt kịp thời và triển khai hiệu quả. Ảnh: Hồng Nhung

Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Thụy Liễu (huyện Cẩm Khê) chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chính sách, chương trình, dự án và hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn hoặc hệ thống truyền thanh cơ sở.

Ngoài ra, các ngành chuyên môn cũng tích cực hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.

Cùng với tận dụng hệ thống truyền thanh cơ sở hay cấp phát tờ rơi, thì từ năm 2020 đến nay, xã Thụy Liệu chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền qua kênh Zalo.

Cùng với đó, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng tích cực hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm như VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ trực tuyến, đọc báo online, xem truyền hình trực tuyến... và nhiều tiện ích khác trên Internet.

Chuyển đổi số giúp người dân kết nối, tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả ở Phú Thọ - Ảnh 2.

Thông qua các kênh thông tin đại chúng, nhóm zalo cộng đồng..., nhiều người dân trong xã Thụy Liệu tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại địa phương với thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Hồng Nhung

Hiện, 60% số hộ ở các khu trong xã đã thực hiện kết nối vào nhóm Zalo để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác. Công an xã duy trì nhóm Zalo cộng đồng với gần 1.000 thành viên thường xuyên truyền tải các thông tin về an toàn giao thông, an ninh trật tự ở cơ sở…

Qua đó, giúp người dân quen dần với việc sử dụng Internet, để thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức và học hỏi cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Minh ở khu 2, xã Thụy Liễu chia sẻ: Sáng nào tôi cũng nghe thông tin trên đài truyền thanh của xã phổ biến về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các điển hình làm kinh tế giỏi...

"Tôi và người thân trong gia đình cũng có điện thoại thông minh và đăng ký mạng 4G để đọc báo, xem tin tức trên mạng Internet. Qua đọc báo, nghe đài, người thân và nhiều người trong làng, xóm của tôi đã tìm được việc làm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, mang lại thu nhập ổn định", anh Minh nhấn mạnh lợi ích của truyền thông thông tin trong tìm kiếm việc làm đối với vùng nông thôn hiện nay.

Chuyển đổi số giúp người dân kết nối, tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả ở Phú Thọ - Ảnh 3.

Từ chia sẻ thông tin, cách làm hiệu quả trên kênh truyền thông đại chúng, nhóm cộng đồng khu dân cư..., mô hình trồng dứa mật Cayen của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở khu Đồng Mười xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê đã được nhiều hộ nông dân trong địa phương học tập làm theo; mang lại nguồn thu cao hơn nhiều lần so với cây trồng truyền thống, lên đến hơn 200 triệu đồng/ha. Ảnh: Hoan Nguyễn

Công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin đã góp phần quan trọng giúp xã Thụy Liễu thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 4,6%; cận nghèo giảm còn 5,3%. Thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường thông tin thiết yếu

Xã Tiên Lương (huyện Cẩm Khê) cũng đã chủ động thiết lập các nhóm Zalo trong cộng đồng dân cư, gồm: Một nhóm chung của UBND xã kết nối với các trưởng thôn và một nhóm của thôn, do trưởng thôn quản lý, kết nối trực tiếp với các hộ dân. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.

Trưởng thôn, các hộ dân cũng thường xuyên chia sẻ lên nhóm những bài viết hay, mô hình hiệu quả để người dân cùng đọc, xem và học hỏi kiến thức, cách làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản... Người dân quen dần với việc tra cứu thông tin qua các kênh điện tử, sử dụng các dịch vụ trực tuyến, giúp sản xuất ngày càng hiệu quả.

Theo đánh giá của UBND huyện Cẩm Khê, bên cạnh sự phát triển về cơ sở hạ tầng, huyện chú trọng "tăng giàu" về thông tin cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Gắn với nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua, huyện Cẩm Khê quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là tại các khu vực nông thôn, nơi điều kiện sống của người dân còn khó khăn.

Chuyển đổi số giúp người dân kết nối, tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả ở Phú Thọ - Ảnh 4.

Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm huyện Cẩm Khê đến gần hơn với người tiêu dùng qua việc ứng dụng các nền tảng số để quảng bá, giới thiệu. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đến nay, hệ thống cáp quang băng rộng, mạng di động 4G đã được phủ sóng đến từng khu dân cư, đáp ứng nhu cầu kết nối Internet của các gia đình và người dân trên địa bàn huyện.

Huyện Cẩm Khê hiện có 78% gia đình có thuê bao Internet cáp quang, 100% gia đình có điện thoại thông minh. Mạng wifi được cung cấp miễn phí tại một số địa điểm công cộng. Các xã, thị trấn trong huyện thành lập và kiện toàn 257 tổ công nghệ số cộng đồng với 771 thành viên tham gia.

Việc duy trì hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Cẩm Khê Bùi Bá Đạt, cho biết: "Hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo bền vững, huyện chỉ đạo thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng các chương trình phát thanh nhằm tuyên truyền đến Nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo, các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong giảm nghèo bền vững.

Lồng ghép trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể; phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo".

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, việc giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có thiếu hụt về thông tin đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,5% và phấn đấu đến hết năm 2025 giảm còn 1,4%.

Thời gian tới, huyện Cẩm Khê tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả gồm hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số.

Trong đó, ưu tiên bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng băng rộng, mạng di động 4G/5G, xóa vùng lõm sóng trên địa bàn huyện, cũng như thiết lập mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã đồng bộ, bảo đảm an toàn thông tin…