Giảm nghèo trên cao nguyên đá Tủa Chùa
14:14 - 17/09/2024
Là huyện nghèo, nguồn lực tại chỗ để phát triển kinh tế còn hạn chế, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) đã tận dụng tối đa các chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống người dân. Các mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng ngày càng nhiều trên vùng đất nổi tiếng với đá và “khát”.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Chia sẻ với phóng viên, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: "Huyện phải tập trung mọi nguồn lực mà Trung ương hỗ trợ để khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế. Có thể với các vùng thuận lợi thì những mô hình kinh tế như này không là gì, nhưng với Tủa Chùa thì khác. Các mô hình kinh tế vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy người dân học tập vươn lên thoát nghèo".
Đúng như chia sẻ của ông Chủ tịch UBND huyện Lường Tuấn Anh, tại Tủa Chùa, những xã, bản chúng tôi đến, các mô hình kinh tế của người dân tuy nhỏ, nhưng đã tạo ra phong trào nông dân cùng nhau làm kinh tế. Làm giàu ngay thì chưa nói nhưng cũng đủ ăn, mỗi năm cũng tiết kiệm được vài chục triệu đồng. Như gia đình ông Cà Văn Vinh, bản Ðun Nưa, xã Mường Ðun chỉ dựa vào hơn 1.000m2 lúa, gia đình đông người nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nghĩ đến cảnh cơm không đủ ăn, con cái không được học hành tử tế, ông Vinh đã vay vốn ngân hàng chính sách để chăn nuôi.
"Với số vốn ít ỏi tôi vay được, mình lấy ngắn nuôi dài. Ban đầu là nuôi gia cầm, được vài năm, trả xong ngân hàng, có ít vốn tôi chăn nuôi thêm gia súc. Sau nhiều ngày tính toán, tôi quyết định nuôi dê vì Tủa Chùa đất cằn, thiếu nước, không trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc được", ông Vinh chia sẻ. Nghĩ là làm, với 10 con dê sinh sản ban đầu, đến nay ông Vinh nuôi ổn định trên 30 con dê sinh sản, mỗi năm bán ra thị trường gần nửa tấn dê thương phẩm, cho thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng. Từ một hộ nghèo của bản, đến nay gia đình ông được xếp vào dạng khá giả của xã.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Nhai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Ðun cho biết: "Từ mô hình của ông Vinh ở bản Đun Nưa và một số mô hình khác. Đến nay phong trào nông dân làm kinh tế trên địa bàn xã đã sôi động lên hẳn. Nhà nhà vay vốn ngân hàng chính sách làm chăn nuôi. Hộ thì nuôi dê, hộ nuôi trâu, bò, hộ nuôi vịt… Cái xã vùng cao này mà tổng dư nợ cả xã vay vốn qua ngân hàng chính sách xã hội lên đến trên 10 tỷ đồng. Ðến nay, cơ bản cuộc sống của các hội viên nông dân đã được nâng lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập".
Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, vì thế phát triển kinh tế như thế nào để đem lại hiệu quả, không làm phí nguồn lực mà Trung ương hỗ trợ luôn là nỗi trăn trở đối với lãnh đạo huyện. Nói vui như ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì đặc sản của Tủa Chùa là đá và "khát". Vì thế Tủa Chùa được ví như một "Hà Giang thu nhỏ". Nhưng không vì thế mà đồng bào các dân tộc Tủa Chùa cam chịu đói nghèo. Huyện ủy, UBND huyện đã xác định các vùng phát triển kinh tế trọng điểm để phát huy lợi thế tự nhiên, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Là địa phương nổi tiếng với những loại cây trồng, vật nuôi đặc sản như: gà đen, rượu ngô, lợn cắp nách, dê… Đây là thế mạnh để người dân phát huy nội lực phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhiều hộ dân đã tập trung chăn nuôi, trở thành gương điển hình tiên tiến trong phong trào làm kinh tế. Gia đình anh Vừ A Sùng (bản Phô, xã Trung Thu) là một trong những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu tại địa phương. Ðược biết, trước đây gia đình anh Sùng tập trung trồng cây ngô lai. Tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư, tốn công lao động nhưng không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn, anh đã suy nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp gia đình xóa đói giảm nghèo. Sau khi tham khảo, tìm tòi, học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau, anh Sùng quyết định đầu tư nuôi dê sinh sản.
Anh Sùng chia sẻ: "Từ 6 con dê giống ban đầu, đến nay đàn dê của gia đình đã tăng lên 40 con sinh sản. Đàn dê đã cho thu nhập mỗi năm gần nửa tỷ đồng. Không chỉ tập trung nuôi dê, gia đình tôi còn chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng cây dâu tây. Sau 3 năm, vườn dâu tây của gia đình đã cho thu nhập ổn định".
Nói về định hướng cho nông dân phát triển kinh tế, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa nhấn mạnh: "UBND huyện đã tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Bên cạnh đó, huyện cũng ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho trên 4.000 lượt hội viên nông dân vay vốn, với tổng dư nợ hơn 100 tỷ đồng. Nhiều nông dân đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả và vươn lên thoát nghèo".