Giống lúa ĐB18 chinh phục những lão nông suốt đời làm ruộng
19:41 - 02/04/2024
BÌNH ĐỊNH Suốt 3 vụ liên tiếp, giống lúa thuần ĐB18 có mặt trên đất Bình Định đã chinh phục cả những lão nông suốt đời làm ruộng…
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Năng suất cao trên vùng đất xấu
Chiều muộn, chúng tôi cùng lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định và Phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn ra đồng thăm mô hình sản xuất lúa cải tiến theo hướng an toàn với giống lúa mới ĐB18 tại thôn Hi Tường, xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn). Nhìn thấy một lão nông lững thững đi qua đi lại trên con đường bê tông, thảng hoặc dừng chân đứng nhìn ruộng lúa ĐB18 trong mô hình. Lấy làm lạ, chúng tôi hỏi: “Sao cụ cứ nhìn hoài đồng lúa vậy?”.
Ông Lê Đình Nhẫn (73 tuổi), lão nông tham gia sản xuất 2,5 sào (500m2/sào) lúa ĐB18 trên cánh đồng Hi Tường nói: “Tui làm ruộng từ hồi mới 17 - 18 tuổi, lúc tóc còn xanh, đến giờ tóc bạc rồi mới thấy có giống lúa cho hiệu quả như giống ĐB18.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, tui cùng 50 hộ dân thôn Hi Tường tham gia sản xuất 5ha lúa ĐB18 trong mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn triển khai. Giống lúa này cứng cây, ít đổ ngã. Gié lúa rất dài, đóng thóc rất dày. Mấy đứa con tui bứt 1 gié lúa đếm được hơn 150 hạt. Giống ĐB18 lại ít sâu bệnh, đặc biệt là rất sạch rầy. Lúa vụ đông xuân thường bị rầy gây hại, nhưng cánh đồng lúa ĐB18 không thấy rầy xuất hiện. 2,5 sào lúa ĐB18 của tui chưa thu hoạch, nhưng nhìn mã lúa cầm chắc năng suất đạt trên 450kg/sào”.
Nông dân Phùng Văn Cừ ở thôn Hi Tường trực tiếp tham gia mô hình trình diễn sản xuất giống lúa ĐB18 với diện tích hơn 2 sào cũng nhận xét giống lúa này hội tụ nhiều đặc tính ưu việt. Ông Cừ chia sẻ, trước khi bước vào vụ sản xuất, 50 hộ dân địa phương thực hiện mô hình được cán bộ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam - đơn vị cung ứng giống và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất đến chăm sóc, bón phân. Ban đầu, bà con tham gia mô hình rất e ngại vì được khuyến cáo chỉ sạ 5kg giống/sào, trong khi thói quen của nông dân ở đây thường sạ từ 8 - 10kg giống/sào nên e rằng lúa không kín ruộng. Thế nhưng khi ngâm giống, hạt giống nảy mầm trên 95%, sau khi sạ cây lúa phát triển rất mạnh.
“Nông dân tham gia mô hình sản xuất giống lúa ĐB18 mê nhất là khả năng chống chịu sâu bệnh của giống này. Những vụ đông xuân trước đây khi còn sản xuất các giống khác, đồng ruộng bị sâu bệnh gây hại rất dữ. Nhưng giống lúa ĐB18 trong vụ đông xuân này nông dân chỉ bơm thuốc BVTV 1 lần ngừa bọ trĩ, suốt cả vụ không bơm lần nào nữa.
Đặc biệt, cánh đồng Hi Tường là đất loại 2, thuộc đất xấu, lại là ruộng trũng nhưng giống lúa ĐB18 vẫn thích nghi và phát triển rất tốt. Canh tác giống lúa này cũng nhẹ phân, cả vụ chỉ bón 2 lần phân mà lúa tốt ngời ngời, lúa sáng đồng. So với các giống lúa bà con thường làm trước đây, năng suất của giống lúa ĐB18 cao hơn 20%, những thửa ruộng ĐB18 thu hoạch trước cho năng suất đến 90 tạ/ha”, nông dân Phùng Văn Cừ chia sẻ.
Trước những đặc tính ưu việt của giống lúa ĐB18, hầu hết nông dân tham gia mô hình sản xuất thử nghiệm tại cánh đồng Hi Tường đều có chung mong muốn ngành chức năng nhân rộng sản xuất giống lúa ĐB18 trong thời gian tới tại Hoài Nhơn để nông dân có thu nhập ổn định, bởi đây là giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, vừa dễ canh tác và hội đủ các đặc tính ưu việt.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo bà Trương Thị Thúy Ức, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn, hiện nay, trên thị trường nông sản, người tiêu dùng luôn quan tâm đến sản phẩm an toàn, chất lượng, ít tồn dư phân đạm, dư lượng thuốc BVTV, đặc biệt là đối với sản phẩm lúa gạo. Vì vậy, ngoài việc sản xuất các giống lúa có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ngành chức năng thị xã Hoài Nhơn còn quan tâm, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa cải tiến theo hướng an toàn, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo an toàn kết hợp bao tiêu sản phẩm nhằm tăng giá trị và thu nhập cho nông dân.
Để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm, trong vụ đông xuân 2023 - 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn đã xây dựng mô hình sản xuất lúa cải tiến theo hướng an toàn với giống lúa mới ĐB18 tại thôn Hi Tường (xã Hoài Sơn).
“Mục tiêu mô hình của chúng tôi là nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân áp dụng quy trình canh tác lúa theo hướng an toàn để cung ứng cho người tiêu dùng; từng bước quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho thị trường lúa gạo trên địa bàn”, bà Trương Thị Thúy Ức chia sẻ.
Bà Ức nhận xét: Cùng thời điểm gieo sạ, mùa vụ canh tác và trên cùng chân đất, lúa trong mô hình có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5 ngày so với lúa ngoài mô hình. Đặc điểm của giống ĐB18 là chịu thâm canh; nhờ bón phân cân đối, hợp lý nên lúa đẻ nhánh khỏe, số bông hữu hiệu cao hơn ruộng ngoài mô hình; màu lá xanh bền, chiều dài bông lúa ĐB18 là 23cm, dài hơn ruộng đối chứng 1cm; giống ĐB18 có độ đồng đều cao, đặc biệt cho sản phẩm gạo chất lượng.
Về khả năng chống chịu, bà Ức cho rằng giống lúa ĐB18 có khả năng đẻ nhánh khỏe, trỗ tập trung, cứng cây, ít đổ ngã, chịu rét khá, có khả năng chống chịu tốt một số sâu bệnh, phù hợp canh tác trên nhiều chân đất khác nhau, phẩm chất gạo ngon cơm, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và thị trường chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu lúa gạo.
Cũng theo bà Ức, mô hình sản xuất lúa ĐB18 trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Châu Bắc, Hoài Châu, phường Hoài Xuân… đều cho thấy năng suất cao vượt trội, bình quân đạt gần 90 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn hiện nay là 74 tạ/ha, giống này lại rất phù hợp với thời tiết của vụ đông xuân.
“Diện tích sản xuất lúa ở Hoài Nhơn rất lớn, trên 5.000ha. Giống lúa ĐB18 dù mới vụ đầu sản xuất nhưng đã cho thấy tính thích nghi rất cao, có tiềm năng năng suất vượt trội, đặc biệt là tính chống chịu sâu bệnh rất tốt, nhất là rầy và không đổ ngã.
Vụ đông xuân 2023 - 2024 là vụ đầu tiên thị xã Hoài Nhơn sản xuất giống lúa ĐB18 để ngành chức năng địa phương có cơ sở đưa vào cơ giống cho nhưng năm sau. Chúng tôi đề nghị Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tiếp tục phối hợp với ngành chức năng Hoài Nhơn sản xuất trình diễn trong vụ hè thu 2024 tới đây và vụ đông xuân 2024 - 2025 để đánh giá thêm trên một số chân đất, đặc biệt là các địa phương phía nam của Thị xã”, bà Ức đề nghị.
“Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam đã xây dựng mô hình trình diễn giống lúa ĐB18 trên địa bàn Bình Định 3 vụ liên tiếp tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Ân, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cấp ngành chức năng ở Bình Định xây dựng nhiều mô hình sản xuất giống ĐB18 để ngày càng có nhiều nông dân tiếp cận giống lúa này”, ông Nguyễn Công Phi, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam cho biết.