Hà Nội lần đầu tổ chức hội thi các giống mít đặc sản
10:55 - 27/06/2024
Đẹp về hình thức, tốt về chất lượng là tiêu chí của hội thi nhằm tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các giống mít đặc sản Hà Nội năm 2024.
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Trồng cây gây rừng, giữ màu xanh cho vùng biên giới Sông Mã
Biệt thự cây mít
Hội thi mít lần đầu tiên do Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức và Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội là cơ quan thường trực, dự kiến gồm 20 đội của 9 huyện, thị xã tham gia với những giống mít dai truyền thống. Vòng sơ tuyển do UBND các huyện, thị xã tự chọn đội thi. Vòng sơ khảo, chấm thi trực tiếp tại vườn diễn ra từ ngày 20 - 26/6.
Vòng chung khảo tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thị xã Sơn Tây từ ngày 4 - 5/7 với cơ cấu 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 13 giải khuyến khích cho giải tập thể và 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích cho cây mít ngon. Ngoài mít tươi, hội thi còn trưng bày những sản phẩm chế biến từ quả mít, gỗ mít.
Một ngày hè rực lửa, tôi cùng các giám khảo lên đường chấm sơ khảo với tâm trạng đầy háo hức. Xe trực chỉ hướng thị xã Sơn Tây, chạy chừng 1 giờ thì tới. Nóng từ trên trời hắt xuống, nóng từ dưới đường bê tông bốc lên cứ hầm hập như nồi hầm khiến ai nấy áo đẫm mồ hôi nhưng vẫn không nề hà gì.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi tới là xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây) - một vựa mít của Thủ đô với trên 30.000 gốc, trong đó hơn 20 hộ có vườn từ vài chục gốc đến 300 - 400 gốc, còn 1 - 2 gốc thì hầu như nhà nào cũng có.
Anh Nguyễn Duy Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết, địa phương đã 2 lần tham gia cuộc thi mít của thị xã Sơn Tây, trong đó một năm giành cả giải đặc biệt lẫn giải nhất, một năm giành giải nhì. Năm nay thi mít cấp Thành phố, ngoài trưng bày quả tươi, địa phương còn mang theo cả xôi mít, trà mít, bánh hạt mít, mít sấy, mít ướp dẻo…
Tinh thần của buổi sơ khảo là chấm cây nhưng nếu gặp quả chín thì cũng chấm luôn, còn quả còn xanh thì dặn chủ vườn khi nào chín thông báo để còn mang máy đo độ đường lên, rồi chấm hình thức bằng mắt, chấm chất lượng bằng miệng.
Xưa “nhà ngói cây mít” là minh chứng cho hộ kinh tế khá giả nhưng giờ là “biệt thự cây mít”. Vùng Sơn Tây không hiếm các “biệt thự cây mít” mà của ông Hà Văn Hà ở xã Cổ Đông là một trường hợp như vậy.
“Nhà nông chỉ trông vào cây, trước tôi trồng đủ loại vải, nhãn, bưởi, mít nhưng giờ chỉ để lại mít vì những loại kia rẻ quá, bán không mấy người mua, còn mít thì lúc đắt bán 20.000đ/kg, rẻ bán 10 - 15.000đ/kg, mỗi năm cũng thu được 20 - 30 triệu đồng. Vườn của tôi có 70 gốc từ 10 - 20 tuổi, trong đó có gốc đã giành giải nhì cuộc thi mít thị xã Sơn Tây năm 2023, trong số này đã chọn ra được 4 cây để tham gia hội thi năm nay gồm 2 cây mít đỏ, 2 cây mít mỡ gà. Mít ngon không chỉ phụ thuộc vào cây, vào cách chăm mà còn cả vào thời tiết. Nếu nóng quá quả chín ép thì sẽ không ngon”, ông Hà chia sẻ.
Anh Phạm Xuân Trường ở xã Cổ Đông trước đây có thâm niên hàng chục năm buôn mít từ quê lên phố bán, từ đó anh đã chọn ra được những giống mít ngon để trồng rồi lọc tiếp được 400 cây trung bình từ 10 - 30 tuổi.
“Tôi nghỉ đi chợ mít cũng đã mươi năm nay nhưng thợ bổ quen vẫn đến tận vườn để lấy, hơn 1 mẫu vườn cho thu nhập 100 - 120 triệu/năm. Tôi có 4 - 5 loại mít cả dai lẫn mật với 2 loại múi đỏ và múi mỡ gà, có năm đi thi mít toàn Thị xã đã giành giải nhất”, anh Trường cho biết.
Tôi thực sự ấn tượng với vườn mít đẹp như cổ tích của nhà anh Nguyễn Thiết Dũng ở xã Cổ Đông với những gốc trên dưới 70 năm, vỏ xù xì rêu và tầm gửi nhưng quả vẫn sai từ gốc tới ngọn và rất to, rất đều. Khu vườn được tạo bởi nhiều thế hệ, đầu tiên là ông bà ngoại, rồi đến bố mẹ và hiện tại là vợ chồng anh với khoảng 70 cây đang cho thu hoạch.
Anh nhớ lại chuyện khi xưa anh trai mình trèo lên cây, bà ngoại đứng ở dưới gốc khảo: “Cây mít kia, tại sao năm nay mày không ra nhiều quả? Sang năm mày phải nghe lời tao ra nhiều quả rõ chưa?”. Vừa nói bà vừa cầm gậy đập nhẹ vào cây. Ở trên cây, anh trai ra vẻ sợ sệt trả lời: “Dạ vâng thưa bà, năm sau tôi sẽ ra nhiều quả ạ”. Thấm thoát đã hơn 50 năm mà mọi thứ như vừa diễn ra trước mắt anh vậy.
Theo anh Dũng, mít trồng 5 năm là có quả, tuy nhiên để ngon phải từ 10 năm trở lên. Cùng một giống nhưng với những cây 60-70 năm bao giờ quả cũng chất lượng hơn từ độ ngọt lẫn độ dày của múi. “Cụ mít” hơn 70 tuổi nhà anh có năm ra tới 40 quả, nhỏ cũng 8 - 9kg, lớn 15 - 16kg, kỷ lục nhất 25kg, bán được 5 triệu đồng. Nói về vườn mít, anh bảo cho thu nhập ổn định, dù không cao lắm, khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm.
Đến phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) tôi khá bất ngờ khi xe dừng lại trước khuôn viên rất lớn của chùa Cúc. Vườn chùa có nhiều cây mít ngon do tay sư thầy chăm. Đoàn đã chọn được một cây mít ưng ý nhất để dự thi và không quên dặn khi nào có quả chín, nhớ gọi tới chấm.
Diện kiến các “chân dài”
Rời Cổ Đông, chúng tôi tới thăm nhà bà Lê Thị Hoan ở xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây). Vườn có 10 cây mít nhưng chỉ có 2 cây to hơn 40 tuổi do chính tay bà trồng, năm ngoái đoạt giải nhất cuộc thi mít của thị xã Sơn Tây, được gắn biển cây đầu dòng. Múi của chúng có màu đỏ, xơ dày, thơm ngon đặc biệt nên thường được người ta buộc dây đánh dấu, đặt mua khi quả vẫn còn xanh. Riêng tiền bán quả của 2 cây mít này mỗi năm cũng đem lại cho bà khoảng 5 - 6 triệu đồng.
Sơn Đông có chất đất đá ong rất hợp với cây mít nên có khoảng 800 hộ trồng, ít thì 2 - 3 cây, nhiều thì vài chục cây. Quả mít ở đây rất dễ nhận ra bởi vỏ mỏng, màu đậm, thưa gai, bên trong múi dày, ngọt, giòn và thơm nức. Chủ vườn thường tuyển chọn những quả mít ngon ở sát gốc, chọn hạt ở gần cuống để làm giống bởi khi thành cây sẽ cho nhiều quả và giữ nguyên đặc tính của cây mẹ.
Xe lại đến xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) để thăm vườn mít 200 cây được trồng ngay hàng thẳng lối của anh Nguyễn Quý Thương, không ít cây trong đó có hình dáng quả rất đẹp. Anh than thở, trước mít đắt bán 25.000đ/kg tại vườn, thu 200 triệu đồng/năm, nhưng giờ chỉ còn 10 - 15.000đ/kg nên thu chỉ còn 60 - 70 triệu đồng/năm. Tham gia cuộc thi lần này anh muốn học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc mít của những người đi trước để cải thiện chất lượng.
Đi mải miết cả ngày, đến khi bầu trời nặng trĩu một màu chì vì một cơn giông lớn thì chúng tôi tới vườn nhà anh Trần Đình Khẩn ở xã Kim Sơn. Các thành viên trong đoàn chân ai nấy như bị một thỏi nam châm khổng lồ dính chặt khi nhìn thấy cây mít đẹp tuyệt, quả đều như cùng đúc một khuôn với dáng thon dài và màu tươi xanh lạ thường. Chủ vườn khi thấy chúng tôi trầm trồ khen, mới cười và giới thiệu trong vườn có ít nhất 30 cây như thế với quả nặng bình quân 13 - 15kg, múi to dài, cùi dày, vỏ mỏng, phần ăn được chiếm tỷ lệ lớn.
TS Nguyễn Khắc Quỳnh (Trung tâm Tài nguyên Thực vật - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đánh giá, riêng gốc mít này đã đạt được tất cả các tiêu chí gồm sức khỏe của cây, độ đồng đều của quả, không có điểm trừ nào. Nó hoàn toàn xứng đáng để chọn làm cây đầu dòng cho mục tiêu nhân giống, thương mại hóa, thậm chí là xuất khẩu sau này bởi một số thương nhân người Nhật đã bắt đầu chú ý đến sản phẩm mít của Việt Nam.
Hà Nội có nhiều giống mít chất lượng tốt, độ đồng đều khá, đặc biệt là mít na với quả sai từ gốc lên cành la, sang cành bổng, tròn vo, vỏ phẳng gần như không thấy gai, múi giòn, vị ngọt thanh và thơm mát. Nhắc tới đây tôi lại nhớ đến quả mít na mà anh Quỳnh tặng. Từng múi, từng múi của nó như gói cả nắng vàng, mật ngọt và hương của đất trời, chỉ cần bỏ vào đầu môi đã như muốn trôi ngay xuống họng.
Anh Lê Lưu Cầu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết, sau hội thi có thể chọn ra những cây mít tốt làm cây đầu dòng, có thể chọn ra những cây di sản gắn với văn hóa, lịch sử của một vùng đất, có thể gắn chuỗi giá trị sản xuất với chuỗi giá trị du lịch tâm linh, sinh thái để gia tăng thêm giá trị.
“Cây mít gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam, nhất là khi xưa đời sống khó khăn, mít cũng là cây thực phẩm. Mít ta hình thành từ nhiều nguồn, chất lượng không đồng đều, lại trong một thời gian dài không được quan tâm nên bị thoái hóa đến mức nhiều lúc muốn tìm mua một quả ngon cũng khó. Hội thi lần này sẽ tìm ra những cây mít ngon phục vụ cho việc sản xuất giống để sau này tạo ra những vùng trồng mít tập trung, chất lượng cao”, anh Lê Lưu Cầu - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết.