Hái ra tiền từ loài rau 'dị ứng' với phân bón
17:19 - 09/05/2024
QUẢNG TRỊ Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết rau liệt sẽ nhanh chóng lụi tàn nếu được bón phân. Chúng chỉ phát triển tốt nếu được trồng quanh khu vực giếng cổ Gio An.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Nắng nóng gay gắt những ngày đầu hè như vơi đi bởi màu xanh mơn mởn của rau liệt quanh khu vực giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Chúng được người dân trồng thành từng thửa ruộng bậc thang nhỏ men theo những phiến đá mồ côi cổ, phát triển thành từng đám chằng chịt quanh vùng nước chảy trong vắt.
Cứ 1 tuần đến 10 ngày, chủ nhân của các thửa ruộng này lại thu hoạch rau liệt một lần. Thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 2 - 3 nghìn đồng/bó. Khi đến các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mỗi bó rau liệt được bán từ 8 - 10 nghìn đồng. Mùa rau liệt thường rộ nhất từ tháng 9 đến tháng 4 - 5 năm sau.
Nhiều người nghĩ, để có những thửa ruộng trồng rau liệt xanh tốt như vậy, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật sẽ là thứ không thể thiếu? Thế nhưng, sự thật hoàn toàn ngược lại.
Từ một loài rau dại mọc quanh khu vực giếng cổ Gio An, những năm gần đây, rau liệt bán được giá. Khắp các chợ đầu mối, rau liệt trở thành món hàng đắt như tôm tươi. Nhiều người đã lưu giữ nguồn giống và đem ươm cấy ở những vùng xa khu vực giếng cổ Gio An, bón phân, chăm sóc. Tuy nhiên, càng bón phân, càng chăm sóc, cây rau càng lụi tàn.
“Nhà tôi trồng 1 sào (500m2) rau liệt, mỗi năm cũng bán được 40 triệu đồng gồm cả bán cây giống. Hiệu quả kinh tế cao và có bao nhiêu cũng bán hết nên gia đình đã thử đưa đi trồng ở những thửa ruộng khác xa giếng cổ Gio An, bón phân, chăm sóc cẩn thận nhưng bị chết hết. Cũng đã có nhiều gia đình thử nghiệm trồng rau liệt ở những thửa ruộng màu mỡ nhưng đều không thành công. Rau liệt chỉ sống được quanh khu vực giếng cổ này thôi”, bà Phạm Thị Lý ở thôn An Nha, xã Gio An chia sẻ.
Đây cũng chính là lý do khiến diện tích rau liệt trên địa bàn xã Gio An từ hàng chục năm nay không thể tăng diện tích dù hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Bình quân, mỗi ha rau liệt cho nguồn thu 800 triệu đồng. Chi phí người dân bỏ ra thường chỉ là tiền mua cây giống (nếu không tự để giống được) và công thu hoạch. Cây rau liệt chỉ sống và phát triển xanh tươi, cho năng suất cao dưới nguồn nước chảy của hệ thống giếng cổ Gio An.
Ngoài ra, tại một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, rau liệt phát triển tại một số khe suối vùng thượng nguồn, nơi có khí hậu mát mẻ và nguồn nước trong xanh nhưng diện tích rất ít. Có lẽ vì thế mà tự nó, rau liệt đã là sản phẩm rau hữu cơ.
“Từ nhiều năm nay, toàn xã vẫn chỉ duy trì 15ha rau liệt. Diện tích không thể tăng do loài rau này chỉ thích ứng được ở khu vực quanh giếng cổ Gio An. Dù chỉ trồng và thu hoạch trong vòng nửa năm nhưng rau liệt cho nguồn thu 800 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Gio An cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, trưởng thôn An Nha cũng xác nhận, người dân rất muốn tăng diện tích rau liệt. Cây rau liệt không khó trồng và dễ chăm sóc nhưng khó khăn nhất là chúng chỉ thích hợp tại một số vùng quanh giếng cổ Gio An. Do hiệu quả kinh tế cao nên gia đình nào cũng muốn trồng loại rau này. Chính quyền địa phương và thôn phải chia đều diện tích có thể trồng rau liệt cho các gia đình nên diện tích vừa nhỏ lại manh mún. Vì vậy tính về hiệu quả kinh tế thì rất cao nhưng việc trồng rau liệt cũng chỉ đủ để người dân trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, khó để sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
“Cứ chiều chiều lại có xe thương lái đến mua rau liệt. Rau liệt cũng chỉ đem đi bán ở các chợ chứ chưa thể vào siêu thị được. Hiệu quả kinh tế còn có thể cao hơn nếu rau liệt được sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, ông Hiệp cho biết.
Người dân xã Gio An gọi loài rau mọc dại quanh giếng cổ Gio An này là rau liệt hay còn một tên gọi khác là xà lách xoong. Loài rau này có thể chến biến thành món rau xào, nộm, ăn sống, sử dụng ăn kèm với nhiều loại thức ăn trong ẩm thực của người Quảng Trị với hương vị rất đặc trưng. Mùa trồng và thu hoạch rộ rau liệt là từ tháng 9 đến cuối tháng 4 năm sau.