Hồ chứa nhỏ, tưới nhỏ giọt, lợi ích to

Hồ chứa nhỏ, tưới nhỏ giọt, lợi ích to

21:43 - 22/04/2024

Hồ trữ ngọt Long Sơn cung cấp nước tưới cho 30ha canh tác rau màu và lúa tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, chưa bao giờ khô cạn.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới

Hồ chứa cung cấp nước tưới tiêu cho 30ha 

Cầu Ngang là huyện tiếp giáp biển của tỉnh Trà Vinh, nơi nguồn nước tưới tiêu trong mùa khô được người dân ví như vàng. Do đó, chính quyền địa phương rất chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô.

Năm 2016, UBND huyện phối hợp Sở NN-PTNT xây dựng hồ trữ nước  ngọt Long Sơn có diện tích 1,1ha, dung tích 26.500m3 tại ấp Huyền Ðức, xã Long Sơn với kinh phí 3 tỷ đồng, có khả năng cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho gần 30ha chuyên canh rau màu và trồng lúa. 

Theo đó, Ban Ðiều phối Dự án AMD Trà Vinh, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ mô hình sử dụng năng lượng mặt trời hòa lưới điện với công suất 1,3kW, thực hiện mô hình tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước trên cây đậu phộng, dưa hấu. Đồng thời, hỗ trợ nông dân lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tiết kiệm nước từ hồ trữ nước Long Sơn để phục vụ trồng màu.

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp người dân ấp Huyền Đức tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn. Ảnh: Hồ Thảo.

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp người dân ấp Huyền Đức tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn. Ảnh: Hồ Thảo.

Bà Phạm Hồng Lan, ở ấp Huyền Đức chia sẻ, trước đây vào những tháng khô hạn, đa số bà con trong vùng phải bỏ hoang đất bởi bơm điện tưới cây rất tốn kém, đồng thời nguồn nước từ giếng nhỏ không đủ cung cấp cho diện tích canh tác lớn.

Từ khi có hồ trữ ngọt, chủ động được nước tưới, bà Lan trồng thêm một vụ đậu phộng và tận dụng phụ phẩm cây trồng này để nuôi bò, giúp tăng nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

 

Theo bà Lan, vùng đất cát nghèo chất dinh dưỡng vì giữ nước, giữ phân kém nhưng nhờ tận dụng hiệu quả hệ thống tưới nhỏ giọt, ruộng đậu phộng của bà cho năng suất 10 tấn/ha. Cao hơn gần gấp đôi so với hồi còn khó khăn về nước tưới.

Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Trưởng ban Nhân dân ấp Huyền Đức cho biết, trước đây do thiếu nước, cây lúa trồng trên đất cát thường bị đỏ đầu lá, cháy cổ bông, sống èo ọt, dẫn đến năng suất không cao. Khi có hồ trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước tưới, vụ rồi 1ha lúa bà con thu hoạch được 8 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha nên nông dân rất phấn khởi.

Cùng với đó, công trình còn góp phần hạn chế việc sử dụng lãng phí nước ngầm thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt được các tổ chức hỗ trợ. Song, vẫn còn hạn chế về chi phí lắp đặt thêm đường ống cho những hộ chưa được hưởng lợi từ công trình. Đồng thời nếu khai thác tối đa dung lượng nước của hồ có thể không đảm bảo áp lực nước đủ mạnh để phục vụ nhu cầu tưới tiêu đồng loạt của bà con.

 Hồ trữ nước Long Sơn có khả năng cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho gần 30ha chuyên canh màu và trồng lúa. Ảnh: HT.

 Hồ trữ nước Long Sơn có khả năng cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho gần 30ha chuyên canh màu và trồng lúa. Ảnh: HT.

Mới khai thác 1/3 dung lượng công trình

Vừa qua trong đợt khảo sát thực tế tình hình ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 tại hồ trữ nước Long Sơn, đoàn khảo sát của tỉnh Trà Vinh đánh giá, hiện nay chỉ có 12 hộ sử dụng nguồn nước từ hồ để trồng màu với 10ha, khai thác chỉ một phần ba dung lượng nước, do vậy công trình chỉ mang tính hiệu quả tạm thời.

Ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, công trình không có kênh nội đồng tiếp ngọt và sử dụng tài nguyên từ lòng đất và nước mưa tích tụ. Về lâu dài trường hợp mưa ít và nước ngầm cạn kiệt, có thể dẫn đến tình trạng thiếu nước cho những hộ đang sử dụng.

Đoàn khảo sát đã yêu cầu các cấp chính quyền tại huyện Cầu Ngang tập trung vào việc nạo vét kênh nội đồng để tiếp nhận nguồn nước ngọt từ kênh 3/2, phục vụ cho sản xuất. Đồng thời tuyên truyền và khuyến khích người dân sử dụng nước mặt để sản xuất, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm.