Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

12:28 - 01/05/2024

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Tủa Chùa: Chuyển mình từ xây dựng chương trình nông thôn mới
Giá tiêu bước vào chu kỳ tăng, giá tiêu ở Đắk Nông, Đắk Lắk 'nóng' lên từng ngày
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông

Sở NN-PTNT An Giang phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (gọi tắt là Dự án TRVC) cho các doanh nghiệp, HTX trong chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh An Giang. Theo đó, Dự án TRVC sẽ hỗ trợ cho An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương.

Dự án TRVC sẽ là điều kiện thuận lợi để An Giang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án TRVC sẽ là điều kiện thuận lợi để An Giang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh. An Giang có diện tích gieo trồng lúa khoảng 640 ngàn ha/năm, cho sản lượng khoảng 4,1 triệu tấn/năm, trong đó tỷ lệ nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm gần 85%. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh An Giang đã đăng ký với Bộ NN-PTNT tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 40.000ha, đến năm 2030 là 150.000ha.

Hiện nay, An Giang có diện tích tham gia liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 30.000 – 35.000ha/vụ, tuy nhiên thời gian qua do tác động của biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính (nước tưới, thời tiết, tập quán canh tác) đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Qua các năm, năng suất lúa gần như tăng không đáng kể (ở mức trần). Vì vậy, để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả và ổn định, bền vững, ngành nông nghiệp An Giang đang chú trọng công tác hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, xúc tiến các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Dự án TRVC sẽ hỗ trợ An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án TRVC sẽ hỗ trợ An Giang khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 

Với định hướng này và cũng nhân cơ hội An Giang là một trong 3 tỉnh (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang) được Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) chọn để thực hiện dự án, sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp thông qua việc phát triển chuỗi giá trị bền vững, vừa cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa.

“Dự án TRVC triển khai tại An Giang sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo của tỉnh, mang lại các giá trị lớn về thương hiệu, tạo ra dòng sản phẩm lúa gạo được sản xuất có trách nhiệm về môi trường cũng như thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, đặt nền móng vững chắc cho doanh nghiệp sẵn sàng tham gia. Dự án được triển khai sẽ kịp thời bổ trợ, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để tỉnh tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang kỳ vọng.

An Giang kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia Dự án TRVC. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

An Giang kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia Dự án TRVC. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án SNV cho biết, Dự án sẽ hỗ trợ 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX, nông dân ở 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp trên diện tích 200.000ha đến năm 2027, với khoảng 200.000 hộ nông dân được hưởng lợi. Điều này sẽ góp phần thực hiện tham vọng đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Đề án của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, Dự án còn có phần thưởng bằng tiền mặt 57 tỷ đồng cho những nông dân tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2027, với lượng phát thải được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định độc lập. 

Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL được tài trợ bởi Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan, với sự phối hợp của Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang từ năm 2023 - 2027. Dự án sẽ được triển khai bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm 2024.