Hỗ trợ phân bón trồng chè, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân ở Thái Nguyên

Hỗ trợ phân bón trồng chè, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân ở Thái Nguyên

21:34 - 25/08/2024

Nhờ được hỗ trợ phân bón, 60 hộ dân trồng chè ở xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã cải thiện năng suất, chất lượng cây chè, từ đó tăng thu nhập, mở ra cơ hội thoát nghèo.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

An Khánh là xã nằm ở phía Đông Nam huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích đất tự nhiên của xã là 1.462,62ha. Tính đến cuối năm 2023, xã An Khánh có 96 hộ nghèo và 100 hộ cận nghèo.

 
Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phân bón để trồng chè- Ảnh 1.
 

Hiện toàn xã An Khánh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) có tổng diện tích trồng chè 85ha. Ảnh: Hà Thanh

Nằm trong chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tháng 11/2023 xã An Khánh đã được hỗ trợ nguồn vốn 221 triệu đồng để thực hiện dự án phát triển sản xuất cộng đồng đối với các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giúp tăng năng suất cho cây trồng, trong đó nhân dân đối ứng 20% số vốn quay vòng trong 1 năm.

Thực hiện Quyết định 6387 của UBND huyện Đại Từ về phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, thực hiện Tiểu dự án 1 – dự án 3 (thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) năm 2023, xã An Khánh được hỗ trợ phân bón cho sản xuất, thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm chè trên địa bàn xã.

Sau gần 1 năm dự án đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp năng suất và chất lượng chè đạt cao hơn. Đồng thời, dự án còn giúp cải tạo đất trồng chè, tăng thêm vụ thu hoạch chè, từ đó giúp nâng cao sản lượng, giá trị và thu nhập cho người dân từ cây chè.

Thông qua dự án, các hộ dân đã sử dụng nguồn phân bón đúng mục đích, bón phân cho cây chè theo đúng quy trình, liều lượng, định mức cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Trong quá trình triển khai, cán bộ xã và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã thường xuyên xuống địa bàn để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con.

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phân bón để trồng chè- Ảnh 2.

Lãnh đạo xã An Khánh thăm mô hình sản xuất chè của bà con xóm Đồng Sầm. Ảnh: Hà Thanh

Chị Nguyễn Thị Cúc (xóm Đồng Sầm, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là thành viên tham gia dự án hỗ trợ phân bón để sản xuất chè. Chị Cúc cho biết, hiện gia đình chị có 3 mẹ con, cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, còn cháu thứ hai năm nay lên lớp 9, chồng chị mất cách đây 2 năm do tai nạn lao động. Hiện kinh tế gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào cây chè, nên tương đối khó khăn vì một mình chị Cúc phải nuôi hai cháu ăn học.

"Tham gia dự án hỗ trợ phân bón để trồng chè, gia đình tôi được hỗ trợ gần 6 tạ phân bón cho diện tích 6 sào chè. Việc hỗ trợ này đã giúp gia đình tôi giảm chi phí rất nhiều trong quá trình đầu tư chăm sóc cây chè. Bên cạnh đó, khi tham gia dự án, chúng tôi còn được tham gia các hội thảo, lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, bón phân đúng liều lượng, quy định để cây chè phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn" - chị Nguyễn Thị Cúc cho hay.

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phân bón để trồng chè- Ảnh 3.

Gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (xóm Đồng Sầm, xã An Khánh) được hỗ trợ gần 6 tạ phân bón cho diện tích 6 sào chè năm 2023. Ảnh: Hà Thanh

Bà Phạm Từ Thức (xóm Đồng Sầm, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cũng là một trong những hộ cận nghèo được hỗ trợ phân bón theo chương trình dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng về giảm nghèo bền vững (tiểu dự án 1 – dự án 3).

Bà Thức phấn khởi cho hay, năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ gần 6 tạ phân bón để sản xuất 4 sào chè. Đây là chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo như gia đình bà phát triển sản xuất. Nhờ nguồn phân bón đó, gia đình bà đã nâng cao được sản lượng chè, tăng chất lượng và giá trị cho cây chè. Chính vì thế, năm nay, gia đình bà Thức đã thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phân bón để trồng chè- Ảnh 4.

Gia đình bà Phạm Từ Thức (xóm Đồng Sầm, xã An Khánh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ phân bón để sản xuất chè theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Ảnh: Hà Thanh

Có thể thấy, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã An Khánh nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, vững tin vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Dương Thị Phương – Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, tổng số hộ tham gia dự án này là 60 hộ thành viên tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP giảm nghèo bền vững, trong đó thành viên là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 59 hộ. Thời gian thực hiện dự án là 12 tháng tính từ tháng 11/2023 đến tháng 11/2024.

Địa phương mong muốn sau quá trình triển khai thực hiện dự án, các hộ dân sẽ nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho các hộ nghèo. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp nâng cao năng suất cây trồng, từ đó từng bước góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng. Đồng thời, cải tạo đất, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, trong lành, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

"Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn sau khi dự án kết thúc, tỷ lệ thoát nghèo sẽ đáp ứng được chỉ tiêu giao. Trong đó chúng tôi đang phấn đấu tỷ lệ thoát nghèo của các hộ tham gia dự án trên địa bàn xã sẽ giảm từ 2 – 3%" - bà Dương Thị Phương chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh, các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện kinh tế rất khó khăn, còn các hộ mới thoát nghèo lại chưa có cơ sở vật chất cũng như điều kiện kinh tế. Chính vì vậy, địa phương mong muốn Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo này bằng 100% nguồn vốn để chương trình thực sự đạt được hiệu quả cao nhất.