Hòa Bình: Người giúp "cây rồng xanh" bén rễ trên đất Đông Bắc
11:04 - 30/08/2024
Đó là ông Bùi Văn Bình (SN 1962), Tổ trưởng Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. "Cây rồng xanh" - cây thanh long được ông mang về trồng đầu tiên ở xã Đông Bắc cách đây 10 năm. Hiện, ông Bình đang trồng 500 gốc với tổng diện tích 0,45ha.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Qua câu chuyện với ông Bùi Văn Bình chúng tôi được biết, trước đây, ở xóm Đồng Nang còn nhiều cây cối nên có đủ nước, độ ẩm phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, khi ấy gia đình ông Bình vẫn trồng lúa 1 vụ trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Sau này, cây cối bị chặt nhiều nên đất đai dần cằn cỗi không trồng lúa được, ông Bình đã chuyển sang trồng ngô, mía nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2004, ông Bình cất công xuống huyện Lạc Thủy để tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng cây thanh long, sau đó mua giống về trồng. Sau nhiều năm, thấy hiệu quả kinh tế mà cây thanh long mang lại, nhiều hộ dân trong xóm đã chuyển sang trồng cây thanh long.
Theo ông Bình, cây thanh long có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất khô cằn, đất cát, đất xám bạc màu, đất phèn đến đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha sét.
Trước khi trồng cây thanh long phải chuẩn bị cây trụ bê tông. Các trụ bê tông được chôn với khoảng cách khoảng 3m x 3m. Cây thanh long sẽ được trồng vào tháng 11-12. Sau khoảng 18 tháng, cây thanh long sẽ cho ra bói. Đến năm thứ 3, cây bắt đầu cho thu hoạch ổn định.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cây thanh long, ông Bình cho hay, cuối vụ thu hoạch vào tháng 12 đến tháng 1 sang năm, khi hoa thanh long không còn nở, lúc đấy sẽ bắt đầu nuôi mầm. Khi cây ra mầm, mỗi cây chỉ để khoảng 15-20 mầm trên một đỉnh trụ. Thời gian này cần làm cỏ và bón phân chuồng, phân gà và NPK cho cây. Hiện nay, ông Bình sử dụng phân gà thay phân chuồng vì nó giúp làm tơi đất và giúp cây thanh long khỏe hơn.
Vào tháng 4, khi cây bắt đầu ra nụ, tiến hành tỉa bớt nụ chỉ để mỗi cành từ 1 -2 nụ. Mỗi gốc để khoảng 25- 30 nụ. Sau khoảng 1 tháng nụ sẽ nở hoa. Sau đó 1 tháng quả thanh long sẽ chín và bắt đầu cho thu hoạch.
Cây thanh long thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12. Nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng cây thanh long sẽ cho thu hoạch 2 lứa. Sau các đợt thu hoạch, cần bổ sung cho cây từ 2 – 3 lạng NPK để cây hồi sức và cho ra nụ, hoa mới.
Cũng theo ông Bình, cây thanh long hay bị bệnh thối cành, vì vậy khi có hiện tượng này phải tiến hành cắt bỏ ngay. Điều quan trọng nhất của việc trồng thanh long theo hướng VietGAP là khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo thời gian cách ly theo đúng quy định trước thu hoạch từ 10 – 15 ngày.
"So với các loại cây trồng khác, quả cây thanh long rất dễ bán, lứa này bán không được giá thì lứa sau lại bán được với giá cao. Thanh long có cân nặng trên 4 lạng sẽ được thương lái ở tỉnh Hải Dương và Hà Nội đến tận nơi thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Cây thanh long có thời gian thu hoạch dài ngày nên dễ tiêu thụ", ông Bình cho hay.
Được biết, mỗi năm, với 500 gốc thanh long, ông Bình thu được 10 tấn quả. Với giá thương lái thu mua khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Bình thu về khoảng 120-150 triệu đồng.