Thời gian qua, bên cạnh những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các hội viên, nông dân trong tỉnh Sơn La gặp không ít khó khăn. Đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò là điểm tựa, cầu nối cho hội viên.
Hội Nông dân tỉnh Sơn La hiện có 12 tổ chức hội cấp huyện, 199 tổ chức hội cấp xã và 2.452 chi hội cơ sở, với tổng số gần 169 nghìn hội viên. Hội Nông dân các cấp tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp, có tri thức; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế cao và bền vững; xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh, tạo cơ hội phát triển bình đẳng, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương… từ đó tiếp tục triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, chỉ đạo các cấp hội khảo sát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh để đưa ra lựa chọn phù hợp trong phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, lấy phát triển kinh tế và thay đổi tư duy của nông dân làm động lực xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu cho biết: Năm 2022, công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh có bước phát triển rất tích cực, đặc biệt là việc bám sát chỉ đạo chung của Trung ương, địa phương, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai hoạt động đạt nhiều kết quả tích cực. Các phong trào thi đua của Hội tại cơ sở được phát triển mạnh mẽ, người nông dân tiếp tục chuyển đổi tư duy sản xuất, nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao được duy trì và phát triển, xuất hiện nhiều hộ kinh doanh giỏi tiêu biểu, thu nhập của nông dân tăng lên rõ rệt. Đến thời điểm này, các chỉ tiêu của công tác Hội và phong trào nông dân đã hoàn thành trên 80%, các cấp Hội sẽ nỗ lực, tập trung cao để hoàn thành các chỉ tiêu còn lại.
Đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với số dư lũy kế hiện nay là 1.474 tỷ đồng, cho trên 33.000 lượt hội viên vay vốn. Đồng thời, Hội sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí gần 66 tỷ đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, hỗ trợ trên 5.000 nghìn lượt hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế.
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đẩy mạnh, với trên 28.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp được bình chọn. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; hàng năm có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nông dân, nhất là nông dân thuộc dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng biên giới.
Ông Nguyễn Trí Vinh, bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Gia đình ông có gần 1ha đất trồng các loại cây ăn quả gồm bưởi, nhãn, xoài, táo; tổng thu nhập được hơn 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho gia đình, ông đầu tư xây dựng một trang trại nuôi lợn. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường hơn 10 tấn lợn thương phẩm, thu lãi khoảng 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Vinh còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhiều nông dân trong bản, xã và một số huyện trong toàn tỉnh, để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Từ năm 2019-2022, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) triển khai Dự án Tăng cường tiếng nói và năng lực của các nhóm nông dân người dân tộc dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu ở Tây Bắc Việt Nam (VOF), tại 4 bản, thuộc các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và Vân Hồ. Dự án đã hỗ trợ trên 600 hộ dân về các biện pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu như: Kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật chăn nuôi hiện đại đạt hiệu quả kinh tế cao…
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân thành lập mô hình kinh tế tập thể hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của hội viên nông dân trong sản xuất. Việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản.
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 660 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, các hợp tác xã đang triển khai trên 200 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 83 sản phẩm OCOP được đánh giá cao về chất lượng.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa phong trào hoạt động Hội ngày càng vững mạnh, xứng đáng là điểm tựa tin cậy của nông dân.
Ông Lường Trung Hiếu cho biết thêm: Hội Nông dân tỉnh rất quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Hội vững mạnh; phối hợp tốt với các cấp, các ngành, triển khai các phong trào hướng về cơ sở, từ đó phát hiện, nhân rộng, lan tỏa các chương trình, mô hình hiệu quả, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Nông dân tỉnh Sơn La tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đẩy mạnh các hoạt động thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tiếp tục thực hiện tốt các phong trào thi đua do Hội Nông dân cấp trên phát động, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.