Khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 2
10:04 - 09/08/2024
Ngành nông nghiệp các địa phương đề nghị khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, bám sát đồng ruộng và bố trí các giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại khi cần.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ chiều tối 22/7 đến 24/7, địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra đợt mưa vừa đến mưa to. Một số huyện khu vực phía đông có mưa rất to diện rộng và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biển ở các khu vực từ 100 - 150mm/đợt. Riêng huyện Sơn Động, Lục Ngạn (gần hướng tỉnh Quảng Ninh) mưa lên tới 150 - 200mm/đợt. Thời gian mưa lớn tập trung từ đêm 22 đến hết ngày 23/7, sau đó có xu hướng giảm dần.
Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 2, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, "tháo cạn lòng sông, giữ nông mặt ruộng".
Đồng thời, huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Đối với diện tích lúa mùa ở giai đoạn mới cấy đến đẻ nhánh bị thiệt hại nhẹ, có khả năng phục hồi, Sở NN-PTNT Bắc Giang đề nghị các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng sau tiêu thoát nước. Cùng với đó, có phương án chuẩn bị đủ lượng hạt giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại trong trường hợp cần thiết.
Đối với cây rau màu, ngành nông nghiệp Bắc Giang khuyến cáo khẩn trương thu hoạch kịp thời diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Hệ thống mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, chưa đến thời kỳ thu hoạch cần được kịp thời khơi thông, nạo vét.
Đặc biệt với cây ăn quả, người dân cần khẩn trương thu hoạch nhanh diện tích nhãn, na đã chín. Bên cạnh đó, đánh rãnh, bơm tiêu thoát nước nhanh trong vườn khi có mưa lớn xảy ra. Sau mưa bão, tiến hành cắt tỉa những cành gãy, cành bị tổn thương, rửa sạch đất, bùn trên cây bằng nước sạch, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tăng cường khả năng hồi phục cho cây.
Do tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, Sở NN-PTNT Bắc Giang đề nghị các địa phương, cơ quan chuyên môn và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra. Rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại (nếu có) để báo cáo về Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh.
Tại Hải Dương, ngành nông nghiệp cũng đã kịp thời hướng dẫn nông dân khoanh vùng các khu vực lúa bị ngập úng, đồng thời huy động máy bơm để nhanh chóng tiêu thoát nước. Các diện tích lúa còn thấp cây, lúa mới cấy được ưu tiên, bảo đảm cho lúa sinh trưởng ổn định.
Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cũng lưu ý người dân chuẩn bị các giống lúa ngắn ngày như P6ĐB, KD18, HN6, BT7... để gieo cấy lại trước ngày 5/8 trong trường hợp lúa thiệt hại từ 50% trở lên.
Với những diện tích lúa có thể phục hồi được, cần khẩn trương dọn sạch bèo, rong rêu, dồn dặm, chăm sóc, bón phân cho cây lúa phục hồi và phát triển; tập trung cấy dặm để đảm bảo mật độ lúa trên đồng ruộng.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Hải Dương, tính đến sáng 24/7, toàn tỉnh còn khoảng 360ha lúa ngập trắng. Những địa bàn bị ngập nặng gồm thị xã Kinh Môn (100ha), TP Chí Linh (70ha), huyện Cẩm Giàng (50ha).
Hiện Công ty đang huy động hơn 107 trạm bơm tiêu úng, với gần 600 máy bơm hoạt động liên tục để rút nước cho diện tích lúa ngập úng.
Trong thời gian cao điểm mưa bão, tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Quyết đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống ngập úng, lũ lụt tại 2 xã Cẩm Văn và Đức Chính. Ông yêu cầu ngành nông nghiệp và các đơn vị cử cán bộ thường trực 24/24h, theo dõi mực nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống.
Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông, lãnh đạo huyện chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thủy văn để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng cá.