Khó kiểm soát giết mổ gia súc ở vùng cao
08:06 - 13/08/2024
Các điểm giết mổ tự phát, xen lẫn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn đang tồn tại ở Lào Cai nhưng rất khó kiểm soát.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây dịch bệnh khu dân cư
Tại huyện Bát Xát (Lào Cai) có khoảng 40 điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ, xen kẽ khu dân cư. Mùi hôi từ nước thải gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Trương Đình Toản ở tổ 11, thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) bức xúc, mùi hôi thối, tiếng lợn kêu giữa đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Điểm giết mổ tại tổ 7 thuộc thị trấn Bát Xát cũng gây không ít phiền toái cho người dân. Hoạt động giết mổ gia súc diễn ra từ 1-2h sáng, không chỉ ồn ào mà nguy cơ lây lan bệnh tật từ động vật sang người.
Trong khi đó, đến nay, mặc dù huyện Bát Xát đã rà soát các vị trí để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, nhưng các vị trí đề xuất chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định. Chủ các cơ sở giết mổ cũng nhận thấy việc làm của họ gây ô nhiễm dù đã tự tìm cách khắc phục.
Bà Phan Thị Mùi ở tổ 11 thuộc thị trấn Bát Xát thừa nhận, nước thải sau giết mổ ảnh hưởng đến hàng xóm tuy nhiên hoạt động giết mổ có cơ cơ sở tập trung nên vẫn phải làm tại nhà. Số hộ giết mổ khác đầu tư hệ thống biogas và vệ sinh thường xuyên nhưng mùi hôi không thuyên giảm...
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát phân trần, khó khăn ở miền núi là không bố trí được được quỹ đất xây cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo các quy định của Thông tư số 13 ngày 20/6/2017 của Bộ NN-PTNT về kỹ thuật, khoảng cách đối với khu dân cư.
Bên cạnh đó, địa hình chia cắt, người dân không thể mang một con lợn đi hàng chục km để mổ. Ngoài ra nhận thức của bà con chưa cao... vì người dân thị trấn cũng là người vùng cao, nông thôn giữ thói quen giết mổ gia súc tại nhà.
Chỉ 18% lượng lợn giết mổ có dấu, tem thú y
Thống kê của ngành nông nghiệp Lào Cai, toàn tỉnh có 5 cơ sở giết mổ gia súc quy mô nhỏ ở huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai được cơ quan thú y thực hiện kiểm dịch giết mổ. Tại các cơ sở này, có 65 hộ thực hiện giết mổ gia súc để kinh doanh. Tuy nhiên, còn rất nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ hoạt động chui, không có sự kiểm soát của cơ quan thú y.
Theo ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, nhu cầu giết mổ gia súc để kinh doanh trên địa bàn tỉnh là 595 con lợn, 17 con trâu bò, ngựa mỗi ngày. Trong đó, số lượng được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm soát đóng dấu kiểm soát giết mổ, cấp tem vệ sinh thú y là 107 con lợn, mới chiếm 18% số lợn giết mổ trên địa bàn.
Ông này xác nhận, nhiều huyện, thành phố trên địa bàn còn tình trạng tự phát giết mổ gia súc, gia cầm tự phát. Theo khoản 2, điều 69 Luật thú y có 2 loại hình cơ sở giết mổ động vật là cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tuy nhiên, điều kiện tỉnh miền núi số lượng giết mổ không nhiều nhất là các huyện nên tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra.
Hiện, có 357 hộ giết mổ gia súc tại hộ gia đình để kinh doanh. Các hộ này đều không được cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y hoặc giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ NN-PTNT.
Tại thành phố Lào Cai, cơ sở giết mổ tại phường Kim Tân dù không đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường, khoảng cách khu dân cư và buộc phải di dời. Song, cơ sở giết mổ này mỗi ngày vẫn giết mổ hàng chục con lợn.
Lấp liếm cho việc này, ông Hoàng Long Biên, chủ cơ sở giết mổ cho rằng, đã sửa chữa cơ sở cũ đảm bảo môi trường trong lúc chờ bố trí quỹ đất xây cơ sở mới tại xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai.
Trước đó, cơ quan thú y đã rút giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở kinh doanh giết mổ của cơ sở này và không bố trí cán bộ thú y kiểm soát sản phẩm thịt lợn tại đây.
Kiểm soát sản phẩm thịt vào bếp ăn tập thể, trường học
Theo ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, hiện có 2 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại thị trấn Bắc Hà đang hoàn thiện và sẽ đưa vào hoạt động, thực hiện kiểm soát giết mổ.
Đối với các huyện, thành phố chưa xây dựng được cơ sở giết mổ động vật tập trung tiếp tục chỉ đạo rà soát quỹ đất, lựa chọn vị trí đất đảm bảo khoảng cách theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-150:2017/BNNPTNT yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung, bổ sung các vị trí đất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm quy mổ nhỏ theo kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai. Giới thiệu địa điểm, vị trí đã quy hoạch, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây cơ sở giết mổ động vật tập trung...
Ông Tạ Công Huy nhấn mạnh, trước mắt sắp xếp, cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới những cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, không giới hạn về công suất giết mổ trên ngày, yêu cầu về địa điểm, khoảng cách, quản lý an toàn thực phẩm áp dụng khi cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ thực hiện theo văn bản số 61/TY-TYCĐ ngày 9/1/2024 của Cục Thú y về việc hướng dẫn xác định cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và cấp giấy chứng nhận cho cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Chính quyền cấp huyện, xã nhất là thành phố Lào Cai được lựa chọn làm điểm, thực hiện xử lý triệt để các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để đảm bảo nguyên tắc thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường hoặc đưa vào các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng… phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y, dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y chỉ được đóng hoặc cấp tại cơ sở giết mổ do cơ quan thú y thực hiện.
Do chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên hiện cán bộ thú y chỉ có thể kiểm tra, giám sát sau giết mổ tại một số điểm kinh doanh, buôn bán nên nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Lào Cai rất cao.