Khoai tây trước cơ hội thành cây vụ đông chủ lực của Hà Nội

Khoai tây trước cơ hội thành cây vụ đông chủ lực của Hà Nội

13:12 - 09/01/2025

Đứng trên bờ nhìn cánh đồng khoai tây rộng 10ha của xã Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội) chưa thỏa, nhiều bà con còn tò mò xuống bới củ, sờ hoa, sờ lá.

Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Kỳ vọng bứt phá từ sản xuất vụ đông
Hỗ trợ hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi
Tích tụ, tập trung đất, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao ở Thanh Hóa
Dabaco báo lãi trước thuế đạt 857 tỷ đồng, lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 'khủng' năm nay

Vụ đông nhàn bởi cơ giới hóa đồng bộ

Bởi chúng còn quá lạ với đồng đất hai lúa của quê mình, nhất là khi chưa bao giờ họ thấy một cây trồng nào lại chỉ việc đặt củ giống xuống vào đầu vụ rồi nhặt củ thương phẩm lên vào cuối vụ do đã được cơ giới hóa hết tất cả các khâu từ làm đất, lên luống đến thu hoạch, phun thuốc bằng drone. Tính ra cả vụ mỗi sào nông dân chỉ mất có 3 - 4 công, trong khi lợi nhuận theo ước tính được khoảng gần 3 triệu đồng.

Cánh đồng khoai tây giống mới ở xã Tự Lập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cánh đồng khoai tây giống mới ở xã Tự Lập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bởi thế trên đường từ đồng về hội trường UBND xã Tự Lập dự hội nghị tổng kết mô hình trình diễn khoai tây giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối tiêu thụ khoai tây thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức vào sáng ngày 25/12, ai cũng bàn tán rôm rả.

Hà Tây (cũ) trước kia và Hà Nội sau này từng nổi tiếng bởi đậu tương vụ đông nhưng do hiệu quả kinh tế thấp cộng với biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường nên thời gian gần đây diện tích đã giảm mạnh và Thành phố đang loay hoay tìm một cây trồng để thay thế. Mặt khác, biến đổi khí hậu làm một số diện tích cấy lúa cao gặp hạn vụ xuân, canh tác khó khăn khiến nhiều nơi người dân bỏ ruộng hoang.

Khoai tây là cây trồng không đòi hỏi khắt khe về thời vụ lại dễ trồng, dễ chăm sóc, cho năng suất và hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên diện tích trồng khoai tây hiện nay của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn do chi phí trồng ban đầu còn cao, mặt khác chưa có nhiều giống tốt để nông dân lựa chọn, nhất là những giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở phía ngược lại, các nhà máy chế biến bim bim cũng như các đơn vị cung ứng khoai tây giống mới cũng đang đi tìm đất để liên kết sản xuất.

Thạc sĩ Lương Văn Hưng (Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - nơi đang liên kết sản xuất hơn 1.000ha khoai tây với các tỉnh, thành, trong đó riêng Hà Nội là 230ha cười rất tươi khi thú thực với tôi rằng: "Trước đây chúng tôi cứ nghĩ Hà Nội nông dân có điều kiện kinh tế tốt, thứ nữa là quỹ đất không nhiều nên không bước chân vào sản xuất khoai tây ở đây. Bản thân đơn vị tôi đóng ngay tại Hà Nội, đã 16 năm sản xuất khoai tây nhưng 14 năm không có một cân nào được sản xuất ở Thành phố này cả.

2 năm trước chúng tôi mới bất ngờ khi biết nhiều huyện ở Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp rất lớn, chất lượng đất tốt và nông dân đều mong muốn tìm đầu ra cho nông sản, nhất là cây vụ đông. Bởi thế vụ đông năm 2023 chúng tôi bắt đầu sản xuất 40ha khoai tây ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm. Đúng lúc thu hoạch thì tình cờ ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội đi thăm rau, thấy trồng khoai tây quá năng suất, hơn nữa toàn bộ sản phẩm đều được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina bao tiêu, nông dân có hiệu quả kinh tế cao nên mới định hướng cho Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vụ sau mở rộng các mô hình hỗ trợ.

Giống khoai tây mới sản xuất tại các mô hình cho năng suất, chất lượng củ cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống khoai tây mới sản xuất tại các mô hình cho năng suất, chất lượng củ cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chúng tôi chỉ tập trung phát triển giống khoai tây chế biến chứ không phát triển giống khoai tây ăn tươi bởi tính ổn định, bán cho nhà máy theo hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ với giá cố định. Khoai tây chế biến tuy có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn so với khoai tây ăn tươi khoảng 10 ngày nhưng vẫn đảm bảo được thời vụ của vụ đông. Nó có những lợi thế là được cung cấp nguồn giống sạch bệnh do Học viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất, được các cán bộ  hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cũng như theo dõi trong suốt quá trình cây sinh trưởng, được bao tiêu sản phẩm để cung ứng cho nhà máy, hiện giá bao tiêu đang ở mức 8.600 đ/kg.

 

Hai nhà máy chế biến của Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đang cần khoảng 63.000 tấn/năm nhưng nay mới đáp ứng được khoảng 33% nên dư địa để phát triển vẫn còn rất lớn…".

Hai giống mới Atlantic và Julinka

Từ vụ đông năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống mới năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu trên đất hai lúa. Năm 2024, các mô hình có quy mô 85ha, thực hiện trên 2 giống khoai tây mới là Julinka và Atlantic (trong đó gồm 55ha giống Julinka dùng cho ăn tươi; 30ha giống Atlantic dùng cho chế biến tại 4 điểm của 4 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa và Mỹ Đức).

Hai giống khoai tây mới này có nhiều ưu điểm hơn so với các giống cũ Solara và Marabel ở chỗ thích ứng với với điều kiện thời tiết bất thuận tốt hơn, nhất là chịu hạn và chịu úng, ít nhiễm sâu bệnh hơn, đặc biệt là bệnh héo xanh vi khuẩn nên cho năng suất cao và chất lượng tốt.

Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% lượng vật tư, phân bón. Hiện các mô hình cây khoai tây đều sinh trưởng tốt. Cụ thể, giống khoai tây Atlantic tại điểm mô hình xã Tự Lập (huyện Mê Linh) cho năng suất ước đạt 22,7 tấn/ha, tỉ lệ củ loại 1 đạt 85%, lợi nhuận ước đạt 81,5 triệu đồng/ha (thời gian trồng đến khi thu hoạch 3,5 tháng); giống khoai tây Julinka tại điểm mô hình xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) năng suất ước đạt 23,3 tấn/ha, tỉ lệ củ loại 1 đạt trung bình 71%, lợi nhuận ước đạt 82,6 triệu đồng/ha (thời gian trồng 3 tháng) - cao hơn rất nhiều so với trồng ngô và đậu tương vụ đông.

Cận cảnh củ khoai tây giống mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh củ khoai tây giống mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đoàn Đức Dân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, giống Julinka vỏ và ruột củ màu vàng, hàm lượng tinh bột cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ăn tươi, còn giống Atlantic củ tròn, vỏ và ruột trắng, hàm lượng chất khô cao, phù hợp cho công nghiệp chế biến, ký kết theo hợp đồng với nhà máy, không lo về đầu ra. Hơn thế, trồng khoai tây vụ đông không chịu áp lực của thời vụ, tận dụng tối đa được nguồn rơm rạ sau thu hoạch để bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, tạo độ tơi xốp cho khoai tây phát triển. Cùng với phần thân, lá khoai tây sau thu hoạch củ sẽ trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trồng lúa vụ xuân.

Trước những kết quả khả quan của các mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đề nghị Sở NN-PTNT Thành phố bổ sung giống khoai tây Atlantic và Julinka vào cơ cấu giống và tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ở những năm tiếp theo. Đề nghị UBND các huyện, các xã, HTX tăng cường công tác tuyên truyền về các giống khoai tây mới, có cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích nhằm khai thác hiệu quả vụ đông.

"Hà Nội cần chính sách gì để cho cây khoai tây phát triển được bền vững?", tôi hỏi. Thạc sĩ Lương Văn Hưng (Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trả lời rằng: Với những nơi kinh tế của bà con còn hạn chế thì nên hỗ trợ về giống, vật tư. Những nơi kinh tế của bà con đã khá giả và muốn sản xuất thành vùng tập trung thì nên hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ.