Khu vực tưới ngập - khô xen kẽ chuẩn quốc tế được ưu tiên thanh toán tín chỉ carbon

Khu vực tưới ngập - khô xen kẽ chuẩn quốc tế được ưu tiên thanh toán tín chỉ carbon

21:20 - 11/10/2024

Ngân hàng Thế giới đang tích cực tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tài chính carbon và thị trường tín chỉ carbon chất lượng cao trong lĩnh vực lúa gạo.

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Hội thảo về các yếu tố pháp lý của Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Ảnh: Quỳnh Chi.

WB khuyến nghị Việt Nam tham gia thị trường carbon

Ngày 24/9, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo về các yếu tố pháp lý của Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) nhằm giới thiệu và phổ biến những thỏa thuận pháp lý liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp (Đề án).

Theo các chuyên gia từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), việc triển khai cơ chế chi trả cho nỗ lực giảm phát thải trong nông nghiệp cần được xây dựng dựa trên những kết quả cụ thể. Chỉ khi đó mới có thể thuyết phục nông dân tham gia Đề án, giúp nông dân nhận thấy giá trị và lợi ích từ những biện pháp giảm phát thải mà họ thực hiện.

WB khuyến nghị Việt Nam nên tham gia vào thị trường carbon, điều này sẽ mở ra những nguồn tài chính mới và giúp nhận được khoản chi trả tín chỉ carbon dựa trên lượng phát thải giảm trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chiến lược xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, phát thải thấp của nước ta sẽ được thúc đẩy thông qua hệ thống đo lường carbon, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho gạo Việt Nam trên thị trường và khuyến khích sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc tham gia vào các thỏa thuận quốc tế này cũng đòi hỏi Việt Nam phải nắm rõ các rủi ro pháp lý và trách nhiệm đi kèm. WB đang hỗ trợ Việt Nam trong việc chuẩn bị thông tin để có thể đàm phán và ký kết các thỏa thuận TCAF.

Vừa qua, ban điều hành TCAF đã chính thức thông qua Dự án Cập nhật (PIN) nhằm hỗ trợ Đề án 1 triệu ha lúa. Theo đó, TCAF phê duyệt tổng kinh phí 33 triệu USD (có thể lên đến 40 triệu USD) cho Đề án, đồng thời phân bổ 2 triệu USD từ quỹ hỗ trợ kỹ thuật do WB quản lý để hỗ trợ công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia vào cơ chế giảm phát thải.

Cố vấn pháp lý cao cấp Markus Pohlmann lưu ý, toàn bộ số tiền này chỉ được giải ngân khi Đề án đạt được 50% mục tiêu về diện tích.

Vì vậy, ông Markus nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy chính sách chi trả cho nông dân cam kết sản xuất lúa phát thải thấp: “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là giúp Việt Nam khai thác tiềm năng từ các thỏa thuận tài chính quốc tế, không chỉ nhằm giảm phát thải mà còn tối ưu hóa các cơ hội từ thị trường carbon”.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam nên tham gia vào thị trường carbon. Ảnh: Kim Anh.

Thúc đẩy chính sách chi trả giảm phát thải cho nông dân trồng lúa

Đến tháng 5/2025, các bên sẽ tiếp tục thảo luận về các điều khoản của ERPA về giá trị của tín chỉ và các điều kiện thanh toán. Những khu vực thực hiện đúng quy trình tưới ngập - khô xen kẽ theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được ưu tiên để nhận thanh toán tín chỉ carbon từ TCAF.

Trong quá trình này, Việt Nam sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị cơ chế, chính sách, mà không cần điều chỉnh quá nhiều về mặt kỹ thuật và tổ chức sản xuất”, ông Markus nói thêm.

Chuyên gia WB giới thiệu các công cụ tài chính như Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) và Thỏa thuận mua bán giảm phát thải (MOPA). Với cơ chế này, nông dân và các đơn vị sản xuất sẽ nhận được các khoản thanh toán dựa trên lượng phát thải đo đạc và xác minh.

Trong khuôn khổ của Đề án, WB kêu gọi sự tham gia của các Bộ, ngành nhằm hỗ trợ thúc đẩy chính sách chi trả giảm phát thải trong sản xuất lúa. Đội ngũ nòng cốt của WB tin tưởng vào vai trò của Bộ NN-PTNT làm đầu mối trong việc thiết kế và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV), cũng như góp ý điều chỉnh các nguyên tắc và phương pháp luận để phù hợp với điều kiện trong nước.

Tại hội thảo, các đại diện từ Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và Bộ Tài chính đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia của WB về các bước cần thiết để ký kết các thỏa thuận ERPA và MOPA trong khuôn khổ chương trình TCAF.

Theo đó, phía Việt Nam đã tìm hiểu về cấu trúc pháp lý hai giai đoạn của TCAF, cũng như mối quan hệ giữa các văn kiện pháp lý. Trong khi đó, WB cung cấp thông tin cần thiết để giúp Chính phủ Việt Nam chuẩn bị cho các cuộc đàm phán và ký kết thỏa thuận pháp lý với TCAF.

TCAF cam kết chi trả cho lượng phát thải đã được xác nhận (VER) từ các chương trình giảm phát thải. Ngoài ra, Việt Nam có quyền giữ lại số VER dư thừa để sử dụng cho các cam kết giảm phát thải trong nước, hoặc giao dịch với các tổ chức, doanh nghiệp, và chính phủ ngoài TCAF.

Một ví dụ tiêu biểu là Dự án Áp dụng Tài nguyên Carbon cho Chuyển đổi Năng lượng (iCRAFT) tại Uzbekistan, được ký kết vào tháng 10/2023. Đây là chính sách chi trả giảm phát thải đầu tiên của WB tại khu vực Trung Á, cho thấy khả năng áp dụng các giải pháp tài chính carbon để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững.

Việc ký kết ERPA và MOPA sẽ giúp Việt Nam thiết lập nền tảng vững chắc trong việc thực hiện các chính sách giảm phát thải trong sản xuất lúa, đồng thời tạo ra các tài sản carbon có thể được sử dụng cho các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu (NDC).