Khuyến nông cộng đồng - Cầu nối tri thức Dấu ấn hình thành nông thôn mới kiểu mẫu
08:17 - 13/08/2024
Kiên Giang Khuyến nông cộng đồng không chỉ chuyển giao kỹ thuật, tổ chức sản xuất, còn là cánh tay đắc lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo dấu ấn trong nhịp sống nông thôn.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Chung tay phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đang vào cao điểm xuống giống vụ lúa thu đông 2024 nên các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Thạnh Phước (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) luôn tất bật, sát cánh cùng nông dân thực hiện các mô hình, thăm đồng để bảo vệ sản xuất. Hằng tuần, tổ đều họp giao ban để phân công công việc, sau đó các thành viên theo nhiệm vụ được phân công bám sát địa bàn để hoạt động.
Ông Đỗ Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã, tổ phó tổ khuyến nông cộng đồng xã Thạnh Phước cho biết, năm 2024 xã thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, nhiệm vụ của lực lượng khuyến nông là đồng hành cùng thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, Thạnh Phước chọn ấp Thanh Phong để thực hiện một mô hình ấp thông minh. Theo đó, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư hệ thống tưới tiêu thông minh, gắn camera an ninh. Khuyến nông hỗ trợ các hộ dân trồng hoa trên các tuyến đường, thắp sáng đường quê, phân loại rác ủ phân hữu cơ, đốt rác thải, thực hiện đường xanh ngõ đẹp.
Theo ông Đồng, xã Thạnh Phước có 3.510ha đất sản xuất, trong đó khoảng 85% diện tích là sản xuất lúa 3 vụ/năm, còn lại là vườn cây ăn trái như sầu riêng, mãng cầu, nhãn, xoài và rau màu, trồng sen lấy gương… Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tổ khuyến nông cộng đồng xã tích cực vận đồng bà con nông dân tham gia cánh đồng lớn, phát triển kinh tế tập thể, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Đối với vụ lúa thu đông 2024, bên cạnh xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, lực lượng khuyến nông khuyến cáo bà con tuân thủ đúng lịch thời vụ, vệ sinh đồng ruộng, giãn vụ để cách ly mầm bệnh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để xử lý, bảo vệ môi trường… Đặc biệt, vụ lúa thu đông sản xuất trong mùa mưa bão nhiều, nên khuyến nông phải thường xuyên cùng nông dân kiểm tra đồng ruộng, cảnh báo dịch bệnh, chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, ngập úng gây ảnh hưởng đến đồng ruộng.
Tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng Nguyễn Thương Anh cho biết, thực hiện quy chế phối hợp giữ khuyến nông và chính quyền xã, khuyến nông tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tập huấn, hỗ trợ người dân nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn và tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp thu mua, chế biến.
Tăng cường liên kết sản xuất thông qua các loại hình kinh tế hợp tác như tổ hợp tác và hợp tác xã, đồng thời phát triển thêm các loại hình thương mại, du lịch sinh thái vườn để giải quyết việc làm. Nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả như chăn nuôi bò thịt, nuôi lươn, nuôi cá trên ruộng lúa... để nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu phấn đấu năm 2024 tăng thu nhập bình quân 10% so với năm trước, đạt mức hơn 79 triệu đồng/người/năm để đảm bảo tiêu thí thu nhập của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Đỗ Văn Đồng, để đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu, Thạnh Phước đã chọn các lĩnh vực nổi trội nhất về tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, du lịch, y tế, môi trường, an ninh trật tự và chuyển đổi số nhằm tạo sự đột phá. Trong đó, có nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của khuyến nông cộng đồng.
Qua rà soát, phân tích các lĩnh vực nổi trội nhất của xã, Ban chỉ đạo huyện, Ban chỉ đạo xã thống nhất chọn 2 lĩnh vực để chỉ đạo thực hiện của bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu gồm tổ chức sản xuất và giáo dục - đào tạo.
Đối với tổ chức sản xuất, xã có lợi thế là trên địa bàn và khu vực giáp ranh có nhiều xí nghiệp xuất khẩu gạo, nhà máy xay xát, lò sấy, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp… nên việc thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực của xã đạt từ 50% sản lượng trở lên có khả năng thực hiện được. Thạnh Phước còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp làm ăn hiệu quả, có nhiều sản phẩm tiềm năng tham gia OCOP để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng
Ông Lê Hoài, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, trạm đã tích cực tổ chức, tuyên truyền đề án về những đổi mới trong công tác khuyến nông, cơ cấu lại tổ chức hoạt động. Đến nay, huyện Giồng Riềng đã thành lập được 19 tổ khuyến nông cộng đồng, phủ kín địa bàn 18 xã và 1 thị trấn, với tổng số 103 thành viên tham gia. Trong đó, luôn có 1 Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách sản xuất được cơ cấu là tổ phó tổ khuyến nông cộng động, vừa thực hiện nhiệm vụ vừa tạo cơ chế phối hợp thuận lợi giữ chính quyền và khuyến nông.
Qua 2 năm triển khai, tổ khuyến nông cộng đồng đã thực hiện tốt các hoạt động như tổ chức chuyển giao kỹ thuật, tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất với 40 lớp tập huấn, thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Tư vấn cho cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất về thị trường liên kết tiêu thụ cho hơn 3.600 lượt người.
Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng đã phối hợp với hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thường xuyên tổ chức thăm đồng, đưa ra những khuyến cáo về tình hình dịch hại trên cây trồng, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, củng cố và nâng cao hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Nhân rộng các mô hình mẫu phát triển sản xuất, các mô hình liên kết sản xuất mới có hiệu quả cao để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp với Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 3 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn của huyện là 84 hợp tác xã, có gần 9.500 thành viên, diện tích sản xuất gần 12.000ha. Phối hợp UBND xã triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trong năm 2023 đã phối hợp với các công ty, tập đoàn tư vấn trực tiếp nông dân trên địa bàn, lựa chọn vùng nguyên liệu để ký kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện. Phối hợp với Trạm Trồng trọt - BVTV tổ chức 8 cuộc tập huấn về nội dung cấp và quản lý mã số vùng trồng nông sản phục vụ xuất khẩu tại nhiều địa phương. Năm 2023 trên địa bàn huyện đã cấp được 84 mã số vùng trồng.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng Lê Hoài kiến nghị: “Cần đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về kinh tế tập thể cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, nâng cao năng lực quản trị gắn với đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể”.