Khuyến nông cộng đồng - Cầu nối tri thức Để bền vững, cần có sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp
21:02 - 21/08/2024
Tổ khuyến nông cộng đồng tại Đồng Tháp đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin, cung cấp kiến thức công nghệ mới và kinh nghiệm sản xuất đến nông dân.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Trách nhiệm phục vụ nông dân
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay, hệ thống Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trạm Thủy sản ở cấp huyện đã được hợp nhất thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông. Ở cấp xã không có lực lượng khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở. Việc thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng đã góp phần tạo tính mới cho công tác khuyến nông địa phương, trở thành “hạt nhân” tích cực trong quá trình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Sau 2 năm triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”, tính đến nay toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 117 tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập với 1.358 thành viên.
Thành viên tổ khuyến nông cộng đồng được kiện toàn gồm lãnh đạo UBND xã, cán bộ nông nghiệp xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Có 85% tổ khuyến nông cộng đồng do Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng.
Thành phần phối hợp có đại diện các tổ chức chính trị, đoàn thể xã, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hội quán và nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn. 100% tổ khuyến nông cộng đồng có mời đại diện các tổ chức chính trị tham gia, 98% tổ khuyến nông cộng đồng có mời đại diện HTX, THT, hội quán và nông dân sản xuất giỏi tham gia.
Ông Nguyễn Văn Hùng, tổ trưởng tổ khuyến nông cộng đồng xã Tân Thành, huyện Lai Vung, chia sẻ: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn và huấn luyện cho bà con về các phương pháp canh tác mới, sử dụng phân bón và thuốc BVTV hiệu quả. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nên bà con rất yên tâm".
Nhiều năm nay, nông dân Đồng Tháp đã nhận thấy rõ những lợi ích từ các hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng. Sự linh hoạt và gần gũi của tổ khuyến nông cộng đồng đã giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi mà còn giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Lê Văn Minh, một nông dân tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh canh tác 1,8ha lúa, phấn khởi cho biết: “Trước đây, nông dân thường gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin thị trường và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa. Từ khi có tổ khuyến nông cộng đồng ra đời đã giúp chúng tôi biết cách trồng lúa theo phương pháp tiến bộ kỹ thuật mới như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới nước ngập khô xen kẽ, ứng dụng sản phẩm hữu cơ… từ đó giúp giảm chi phí và tăng năng suất rõ rệt so với trước đây”.
Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, tổ khuyến nông còn giúp nông dân kết nối với các thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp họ chủ động hơn trong sản xuất và tiêu thụ. Nông dân không còn lo lắng về việc bán sản phẩm nữa vì đã có những đơn vị thu mua đảm bảo đầu ra ổn định.
Hướng dẫn khoa học kỹ thuật đến tận tay nông dân
Theo ông Trần Văn Nhãn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tổ khuyến nông cộng đồng có hiệu quả cao tại tỉnh Đồng Tháp. Với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ ngành nông nghiệp tỉnh, các tổ khuyến nông đã trở thành cầu nối quan trọng giữa nhà khoa học và nông dân, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Việc thành lập và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng là một chiến lược quan trọng trong kế hoạch phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp. Ông Nhãn cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xác định việc xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng là một trong những giải pháp chủ đạo để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đến tận tay bà con nông dân. Tổ khuyến nông cộng đồng không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là cầu nối giúp nông dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác.
Ông Nhãn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho các thành viên tổ khuyến nông. Trung tâm thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ khuyến nông, đảm bảo họ có đủ năng lực và trình độ để hỗ trợ nông dân một cách hiệu quả. Đơn cử như 3 mô hình sản xuất nông nghiệp trên cây lúa, xoài, mít. Bên cạnh đó, phối hợp các công ty, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao công nghệ về thiết bị máy bay không người lái, thiết bị sạ lúa theo cụm... và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm đã hoàn thành 9/9 tiêu chí liên quan về xây dựng xã nông thôn mới.
Tuy vậy, trên thực tế các tổ khuyến nông cộng đồng tại Đồng Tháp vẫn đối mặt với một số thách thức. Khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống khuyến nông viên xã không còn, luôn tiềm ẩn làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết.
Tổ khuyến nông cộng đồng được thành lập nhưng chưa được đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, không có tư cách pháp nhân nên chỉ thực hiện nhiệm vụ phối hợp là chủ yếu. Các tổ khuyến nông cộng đồng làm việc kiêm nhiệm, chưa có các khoản thu, chi nên việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quyết định thành lập chưa được thực hiện.
Để khắc phục những khó khăn này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ kinh phí và nguồn lực. Đồng thời, trung tâm cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng.
Để mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp. Sự hợp tác này không chỉ giúp tổ khuyến nông cộng đồng vượt qua những thách thức hiện tại mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.