Kiểm lâm Sơn La không ngừng nỗ lực, kiên trì bảo vệ và phát triển rừng
21:08 - 30/05/2024
50 năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã không ngừng nỗ lực, kiên trì bảo vệ và phát triển rừng. Những việc làm thiết thực, tràn đầy tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức trong lực lượng đã góp phần bảo vệ "lá phổi xanh" nơi vùng cao Sơn La.
"Mai vàng mùa nước nổi" thực ra là thứ rau dại gì mà ở Long An dân đi hái bán đắt vẫn khối người mua?
Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng giá tiêu ầm ầm, duy nhất giá tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm
Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn
Giá cà phê tiếp tục lập đỉnh, cà phê thu mua ở Lâm Đồng và Đắk Nông tăng mạnh nhất
Ngày 25/9/1973, Tổng Cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 819/QĐ về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm nhân dân Sơn La. Đầu tháng 7 năm 1974, tại bản Rôm (Hát Lót - Mai Sơn), Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã long trọng tổ chức lễ ra mắt lực lượng.
Kiểm lâm tỉnh Sơn La - 50 năm không ngừng hoàn thiện tổ chức và phát triển
Năm đầu thành lập, Kiểm lâm Sơn La có 4 phòng và 7 Hạt Kiểm lâm cấp huyện, với 80 cán bộ, trong đó có 3 kỹ sư, 26 trung cấp, còn lại đa số là công nhân Lâm nghiệp, bộ đội, học sinh được bồi dưỡng lớp nghiệp vụ. Trải qua cả chặng đường dài xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống tổ chức Kiểm lâm Sơn La gồm 29 đầu mối thuộc và trực thuộc, gồm: 5 phòng; 2 đội Kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng; 12 Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố; 5 Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng; 5 Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên với tổng số biên chế được giao là 374 biên chế, gồm: công chức 271 biên chế, viên chức 103 biên chế.
Mỗi năm có hàng trăm lượt công chức Kiểm lâm được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, toàn ngành có 46 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 12,56%; cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học 296 người, chiếm 80,87%; cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao đẳng 03 người, chiếm 0,82%; cán bộ công chức, viên chức có trình độ trung cấp 21 người, chiếm 5,73% tổng số công chức, viên chức. Chế độ chính sách, trang bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ... được Nhà nước quan tâm, tạo cho lực lượng Kiểm lâm có vị thế pháp lý và điều kiện hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
Lực lượng Kiểm lâm Sơn La đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều chủ trương, quy định, cơ chế chính sách và tổ chức các nhiệm vụ nhằm tăng cường chức năng tổ chức quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Từ Nghị quyết số 06 năm 1998 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 10-NQ/TU năm 2011, cho đến Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2016 nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng và cho đến ban hành hệ thống văn bản quy định và cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện các quy định, chính sách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn về công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương.
Tăng cường công tác đấu tranh đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến và kinh doanh lâm sản.
Theo ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La: Trên địa bàn tỉnh không còn hình thành các tụ điểm, điểm nóng về chặt phá, khai thác rừng, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép. Nhiều đối tượng cộm cán về vi phạm lâm luật bị bắt giữ và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần lập lại trật tự quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phát triển rừng, ổn định trật tự an ninh xã hội của tỉnh. Hướng dẫn các cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ rừng; tổ chức xây dựng 2.354 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở.
Cũng theo ông Tuấn, trong suốt những năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Sơn La đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao: Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tích cực tham gia vào phân định quản lý nương rẫy, công tác quy hoạch 3 loại rừng, tổ chức đóng mốc ranh giới đất lâm nghiệp góp phần quan trọng trong việc quản lý chỉ giới, ranh giới giữa đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế quản lý sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững
Theo Nghị quyết số 10-NQ/ĐH ngày 24/9/2015 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV, chỉ tiêu phấn đấu "Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 50%" và xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng, phát triển hệ thống rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, các cây đa mục tiêu như cây mắc ca, sơn tra, cao su, cây dược liệu… để người làm nghề rừng thực sự có thu nhập, từng bước làm giàu từ rừng và thay thế cây lương thực ở những nơi không có điều kiện thâm canh, năng suất thấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Sơn La có diện tích rừng che phủ lớn, chạy dài từ vùng nội địa đến biên giới. Việc vận động tuyên truyền bà con nhân dân cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng là vô cùng quan trọng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết thêm: "Trong năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của rừng, vận động nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước".
Trong những năm tới, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển Lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; nhiệm vụ hỗ trợ của Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để tăng cường nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Nhìn lại 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm Sơn La với bản lĩnh vững vàng, sự kiên trung, tận tụy, không ngại khó khăn, gian khổ ngày đêm bám rừng để giữ gìn màu xanh cho đất nước, viết nên những trang sử truyền thống của lực lượng Kiểm lâm, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ rừng.
Trước thời cơ và tình hình mới, lực lượng Kiểm lâm Sơn La phải thực sự đổi mới về chất, từ tổ chức và xây dựng lực lượng đến tư duy và phương thức hoạt động. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự lãnh đạo của Cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp và PTNT. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, Không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao cho, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.