Kiểm soát chặt con giống để phòng dịch cúm gia cầm đang bùng phát
22:55 - 30/03/2024
YÊN BÁI Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển con giống gia cầm không rõ nguồn gốc, chuẩn bị vật tư, vacxin tổ chức tiêm phòng dịch cho đàn gia cầm.
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới
Lựa chọn con giống tốt, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại
Gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có trang trại chăn nuôi gà thịt quy mô 10.000 con/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa, trung bình trang trại của anh cung ứng ra thị trường khoảng hơn 50 tấn gà thương phẩm/năm.
Theo anh Tùng, nhiều năm nay, gia đình anh dồn hết nhân lực, vốn vào chăn nuôi gà nên đây là nguồn thu nhập chính. Việc phòng, chống dịch bệnh vào thời điểm chuyển mùa, thay đổi thời tiết được anh Tùng chú trọng đặc biệt.
Bên cạnh việc tiêm phòng các loại vacxin định kỳ, lựa chọn con giống khỏe mạnh, chất lượng, gia đình anh còn thường xuyên rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại, hạn chế người lạ tiếp xúc với khu vực chăn nuôi. Định kỳ bổ sung thêm vitamin, bảo đảm đủ thức ăn, nước uống cho đàn gia cầm.
Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là 1 trong những HTX chăn nuôi gà lớn nhất tại Yên Bái. Hơn 30 thành viên cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất có liên kết, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh quy mô lớn.
Quy mô chăn nuôi của HTX thường xuyên duy trì đầu đàn 15 vạn con/lứa với nhiều giống gà như Minh Dư, Lạc Thủy, gà Mông, gà Mía số 1… doanh thu trung bình năm đạt hơn 30 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Tiến Sơn, Giám đốc HTX cho biết, người chăn nuôi lo lắng nhất là dịch bệnh bởi sẽ gây thiệt hại khôn lường, thậm chí mất trắng. Chính vì vậy, việc lựa chọn nguồn con giống đảm bảo chất lượng luôn được chú trọng hàng đầu.
Mùa xuân ở Yên Bái thường có mưa phùn, nồm ẩm kéo dài, thời tiết dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh. Vì vậy, cứ 2 lần/tuần, các thành viên HTX lại phun chế phẩm sinh học toàn bộ trang trại chăn nuôi.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho đàn gà. Phân công thành viên túc trực, theo dõi sức khỏe, bổ sung thêm vitamin, bảo đảm đủ thức ăn, nước uống cho đàn gà.
Nghiêm cấm giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh
Tại tỉnh Yên Bái, hiện chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương, hộ chăn nuôi không chủ quan, lơ là trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhất là trong thời điểm tái đàn sau Tết.
Hiện, tổng đầu đàn gia cầm, thủy cầm của tỉnh khoảng gần 7 triệu con. Để bảo vệ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, ngày 26/2/2024, Sở NN-PTNT Yên Bái có Công văn số 277 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường, tiêm phòng vacxin đợt 1.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, Chi cục đã phối hợp với các địa phương, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh khử trùng, tiêu độc để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Giám sát lâm sàng, khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp phát hiện có kết quả dương tính với các chủng virus cúm gia cầm cần xử lý tiêu hủy ngay.
Nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không vứt xác gia cầm mắc bệnh chết ra ngoài môi trường...
Phối hợp với các ngành chức năng như: công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập con giống vào địa bàn.
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư, vacxin, hoá chất để tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, ấp nở, giết mổ, chế biến, vận chuyển, chợ buôn bán, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm.