Kiên Giang khởi động vụ lúa mùa trên đất nuôi tôm
18:43 - 09/09/2024
Lúa vụ mùa gieo cấy trên nền đất nuôi tôm có đặc thù sản xuất lệ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, mỗi năm mang lại cho Kiên Giang trên 400 ngàn tấn lúa.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Chủ động gieo mạ trên bờ
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn lịch gieo sạ lúa vụ mùa và đông xuân 2024 - 2025 vùng U Minh Thượng, TP Hà Tiên và một phần huyện Gò Quao, Giang Thành.
Theo đó, lúa vụ mùa 2024 - 2025 sản xuất luân canh trên nền đất một vụ lúa, một vụ tôm (lúa - tôm). Đối với lúa cấy, nông dân gieo mạ trên bờ từ ngày 15/8 - 30/9, nhổ mạ cấy xuống ruộng từ ngày 15 - 30/9. Việc gieo mạ trên bờ giúp nông dân có thêm thời gian rửa mặn hiệu quả nền đất nuôi tôm. Trong trường hợp gặp thời tiết bất lợi, trời mưa nhiều, cây lúa cấy sẽ hạn chế được tình trạng ngập úng, chết mạ do tiêu thoát nước không kịp.
Đối với lúa sạ, đợt 1 xuống giống từ ngày 25/8 - 20/9, tập trung ở các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Giang Thành, U Minh Thượng, Gò Quao (xã Vĩnh Tuy) và TP Hà Tiên.
Đợt 2 từ ngày 10 - 25/10, gieo sạ phần diện tích còn lại của huyện Gò Quao, U Minh Thượng và một phần diện tích của huyện An Biên giáp với huyện U Minh Thượng.
Lúa đông xuân 2024 - 2025, đối với vùng chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm là hè thu và đông xuân thuộc các huyện vùng U Minh Thượng xuống giống tập trung từ ngày 10 - 30/10.
Trên cơ sở lịch thời vụ và khuyến cáo chung của tỉnh, các địa phương trong vùng căn cứ vào điều kiện thực tế, cần xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng địa bàn và lựa chọn giống lúa phù hợp theo nhu cầu thị trường.
Rửa mặn kỹ đất nuôi tôm
Lúa vụ mùa được gieo cấy trên đất nuôi tôm nước lợ nên việc rửa mặn kỹ nền đất sẽ quyết định thành bại của vụ lúa. Do đó, sau khi thu hoạch xong vụ tôm, cần tiến hành tháo hết nước, tận dụng nguồn nước mưa và nước ngọt dưới kênh để rửa mặn liên tục nhiều lần, thời gian rửa mặn ít nhất từ 20 - 30 ngày. Làm đất thật kỹ bằng việc trục, xới, kết hợp bón vôi với lượng 200 - 400kg/ha để giúp rửa mặn nhanh hơn, trước khi tiến hành gieo sạ hoặc cấy.
Về cơ cấu giống lúa, khuyến cáo sử dụng các giống lúa chịu mặn như: Một bụi đỏ, BTE-1, Đài thơm 8, ST5, ST24, ST25, OM 2517, RVT, GKG 1, GKG 5, OM 6976.
Đối với lúa vụ đông xuân 2024 - 2025, sau khi thu hoạch lúa hè thu xong cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, đảm bảo thời gian giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần nhằm tránh ngộ độc hữu cơ và cắt đứt nguồn dịch hại từ vụ trước. Khuyến cáo nông dân tăng cường áp dụng "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL” đã được Cục Trồng trọt ban hành.
Áp dụng biện pháp "gieo sạ tập trung đồng loạt né rầy” trên từng cánh đồng và theo khung thời vụ quy định. Khuyến cáo sử dụng hạt lúa giống từ cấp xác nhận trở lên, mật độ gieo sạ từ 70 - 100kg/ha với các giống lúa chất lượng cao như Đài thơm 8, OM 18, ST24, ST25, OM 2517, GKG 5, OM 4900, OM 5451.
Trong quá trình canh tác, hướng dẫn nông dân áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng”, an toàn và hiệu quả.
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang xây dựng các mô hình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cánh đồng lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn và vận hành có hiệu quả các hệ thống cống trên địa bàn. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam vận hành hệ thống cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.