Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới

Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới

17:21 - 09/12/2024

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, đến nay huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã tạo nên những bứt phá trong xây dựng NTM với 6 xã đạt chuẩn NTM; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đặc sản miền Tây Nam bộ, loại quả ngon dễ nhầm với trái ổi, hễ chín là thơm từ vườn ra ngõ, ngắm no mắt, vạn người mê
Nuôi biển hiện đại không thể thiếu quy hoạch đồng bộ và đầu tư công nghệ
Loại cây ra quả ngay thân trồng thành công ở Lâm Đồng, bẻ quả to bự bán, dân có thu nhập cao
Phó Cục trưởng NAFIQPM: 'Giá lợn hơi sẽ duy trì ở mức cao'
Những giống lúa của Vinaseed không làm nông dân thất vọng

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những nỗ lực, kết quả xây dựng NTM trong thời gian qua và mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Tuấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi.

 

Phóng viên: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Kim Bôi, đến nay phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Tuấn Sơn: Trong giai đoạn 2021-2025, công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện Kim Bôi gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn các xã phải sáp nhập (3 xã thành 1 xã) nên nhiều tiêu chí phải "làm lại từ đầu". Đặc biệt là các tiêu chí về xây dựng hạ tầng, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy nguồn lực để đầu tư hoàn thành các tiêu chí cũng cần nhiều hơn.

 
Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Ông Trần Tuấn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Ngoài ra, thực hiện bộ tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn.

Tuy nhiên, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Kim Bôi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để Nhân dân chung sức, chung lòng trong xây dựng NTM.

Kết quả là trong giai đoạn 2021-2024, bằng nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, huyện Kim Bôi đã xây dựng mới, sửa chữa và nâng cấp hơn 66km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 37km kênh mương; xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 9 công trình thủy lợi; lắp đặt mới 9 trạm biến áp; xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp cho 65 công trình trường học; xây dựng mới 4 nhà văn hóa xã…

Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Nhờ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Kim Bôi ngày càng khởi sắc. Ảnh: Tuệ Linh.

Song song với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện đã đạt được một số kết quả tích cực. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, trình độ sản xuất, năng suất lao động nông nghiệp và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Các chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân được duy trì và mở rộng. Toàn huyện có 4 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 2 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 60 ha rau các loại; 2,5 ha rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ PGS; có trên 200 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; có 12,5 ha bưởi và 18,8 ha nhãn được cấp mã số vùng trồng (3 mã), 34 ha nhãn được chứng nhận Global GAP.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP. Trong đó có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Bên cạnh đó, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, huyện Kim Bôi đã tập trung hỗ trợ cho các chuỗi sản xuất, mô hình tiêu biểu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0.

Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được huyện Kim Bôi quan tâm đầu tư. Ảnh: Phạm Hoài.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo 24,03%. Đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm (tăng 18 triệu đồng), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,75%.

Tính đến hết năm 2023, huyện Kim Bôi có 6/16 xã đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí cả huyện đạt 14,9 tiêu chí/xã. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2024 có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 7/16 xã và có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân tiêu chí cả huyện đạt 16,0 tiêu chí/xã.

Nhờ đó, đến nay diện mạo nông thôn huyện Kim Bôi đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chất lượng đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng lên.

Kim Bôi chuyển mình nhờ xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Đến nay, diện tích nhãn toàn xã Xuân Thủy, huyện Kim Bội đạt gần 200ha. Trong năm 2022, 50 tấn nhãn Xuân Thủy đã được xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Tuệ Linh.

Phóng viên: Kim Bôi là huyện còn nhiều khó khăn, nguồn lực của huyện và các xã còn hạn chế, trong khi xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để tháo gỡ khó khăn này huyện đã có những cách làm như thế nào để huy động nguồn lực và phát huy vai trò của nông dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới?

Ông Trần Tuấn Sơn: Kim Bôi là huyện miền núi, với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực của huyện còn hạn chế. Trong khi đó, khối lượng để hoàn thành các tiêu chí đối với các xã trên địa bàn cần nguồn lực rất lớn. Vì vậy, để huy động nguồn lực tham gia xây dựng NTM, trong thời gian qua, huyện Kim Bôi đã tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để huy động nội lực của cộng đồng dân cư, vận động Nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất, tài sản trên đất... góp phần cùng với ngân sách nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM.

Trong giai đoạn 2021-2024, người dân trên địa bàn đóng góp 668.720 ngày công, hiến 33.600m2 đất, giá trị trên 68 tỷ đồng. Việc hiến đất, ngày công lao động trong xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa ở khắp các xã trên địa bàn.

Thứ hai, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Kim Bôi phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng đầu tư sản xuất – kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn các xã. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân để phát triển kinh tế và các khoản huy động hợp pháp khác để thực hiện xây dựng NTM.

Phóng viên: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Kim Bôi hướng đến những mục tiêu như thế nào? Những giải pháp đột phá để đạt được những mục tiêu đó?

Ông Trần Tuấn Sơn: Mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM là nâng cao thu nhập cho Nhân dân một cách ổn định, bền vững; xây dựng những vùng quê đáng sống. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Kim Bôi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã nỗ lực duy trì, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và hướng tới hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao và kiểu mẫu. Trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng NTM; tiếp tục phát động phong trào thi đua "Huyện Kim Bôi chung sức xây dựng nông thôn mới".

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; kiểm tra, giám sát việc thực hiện duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM ở các xã.

Bà là, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, Global GAP, hữu cơ với những nông sản có thế mạnh của địa phương nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu ngoài nước.

Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp và HTX đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bốn là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ.

Năm là, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!