Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thương mại cao su thế giới Đồng Yên suy yếu khiến các tài sản định giá bằng đồng tiền này trở nên phải chăng hơn với các khách hàng nước ngoài. Đồng USD được niêm yết ở mức 157,06 JPY đổi 1 USD.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 6/2025 JRUc6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) mở cửa tăng 3,7 JPY, tương đương 1,01% chốt ở 369,9 JPY (2,4 USD)/kg.
Hợp đồng cao su giao kỳ hạn tháng 5/2025 SNRv1 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 220 CNY, tương đương 1,26% chốt mức 17.740 CNY (2.431 USD)/tấn. Sàn giao dịch Singapore đóng cửa nghỉ lễ, không giao dịch.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang tăng cao.
Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý phát hành 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (411 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt vào năm tới, theo hai nguồn tin, sẽ là mức cao nhất từ trước đến nay, khi Bắc Kinh gia tăng kích thích tài chính để phục hồi nền kinh tế yếu kém và để chuẩn bị đối phó với tác động từ việc tăng thuế nhập khẩu của Mỹ khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng vào tháng Giêng. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để thúc đẩy tiêu dùng qua các chương trình trợ cấp, nâng cấp trang thiết bị của các doanh nghiệp và đầu tư vào các ngành tiên tiến dựa trên đổi mới sáng tạo, cùng các sáng kiến khác.
Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô. Giá dầu tăng hơn 1% nhờ triển vọng nguồn cung thắt chặt nhẹ trong ngắn hạn, khi giao dịch trở nên thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Hanukkah.
Trước đó, từ đầu tháng 12/2024 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á tăng so với cuối tháng trước, do thời tiết ẩm ướt tại Thái Lan và lũ lụt đã ảnh hưởng đến một số khu vực sản xuất làm hạn chế nguồn cung. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn liên quan đến các mức thuế tiềm năng của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc cũng góp phần làm tăng sự biến động trên thị trường và ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch. Tuy nhiên đà tăng giá cao su vẫn bị hạn chế do dữ liệu kinh tế không khả quan từ Trung Quốc.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), từ đầu tháng 12/2024 đếnnay, giá cao su RSS3 biến động mạnh, sau khi giảm xuống mức 376 Yên/kg (ngày 09/12/2024), giá tăng trở lại trong mấy phiên gần đây. Ngày 11/12/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 383 Yên/kg (tương đương 2,53 USD/kg), tăng 0,6% so với cuối tháng 11/2024 và tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 có xu hướng tăng so với cuối tháng trước. Ngày11/12/2024 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 18.520 NDT/tấn (tương đương 2,55 USD/kg), tăng 3,3% so với cuối tháng 11/2024 và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 cũng trong xu hướng tăng. Ngày 11/12/2024, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 79,16 Baht/kg (tương đương 2,34 USD/kg), tăng 3,1% so với cuối tháng 11/2024 và tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ quan khí tượng Thái Lan đã cảnh báo về mưa lớn có thể gây lũ quét từ ngày 12-16/12/2024 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và thu hoạch cao su, đặc biệt là tại các khu vực trồng cao su chủ yếu của Thái Lan.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 230,57 nghìn tấn, với trị giá 441,26 triệu USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với tháng 10/2024; So với tháng 11/2023 giảm 9% về lượng, nhưng tăng 26,6% về trị giá. Lũy kế 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 1,77 triệu tấn, trị giá trên 2,96 tỷ USD, giảm 5,4% về lượng, nhưng tăng 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.