Lai Châu: Mường Than nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
15:25 - 20/11/2024
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã Mường Than (Than Uyên, Lai Châu) đã "gặt hái" được nhiều kết quả khả quan trong công tác giảm nghèo bền vững.
Giá tiêu ở Bình Phước đột ngột giảm sâu nhất trước làn sóng giảm giá ở Tây Nguyên hôm nay
Trang trại cây ăn quả hiệu quả cao
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, Lâm Đồng và Gia Lai nâng giá thu mua sát nút Đắk Lắk, Đắk Nông
Vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai tại vùng lũ Mường Pồn
Mường Than thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững
Mở đầu câu chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Đoàn Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than, phấn khởi cho biết: Những năm gần đây, công tác giảm nghèo bền vững của xã Mường Than có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, xã đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch về chỉ tiêu giảm nghèo. Thu nhập, đời sống của người dân trong xã không ngừng cải thiện, nâng cao. Bộ mặt nông thôn mới của xã cũng có nhiều khởi sắc.
Theo ông Quân, sở dĩ công tác giảm nghèo bền vững của xã có nhiều chuyển biến như vậy là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự nỗ lực của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, hằng năm, xã Mường Than xây dựng kế hoạch riêng về công tác giảm nghèo dựa trên cơ sở chỉ tiêu giảm nghèo được huyện Than Uyên giao.
"Ngay từ đầu năm, xã Mường Than xây dựng kế hoạch riêng về công tác giảm nghèo. Xã chỉ đạo các bản rà soát, dự kiến các hộ có khả năng thoát nghèo của bản mình, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, chi tiết đối với từng bản. Trên cơ sở đó, xã phân công cho các thành viên phụ trách, phối hợp với các bản nắm và có hướng tuyên truyền, vận động hộ nghèo vươn lên thoát nghèo" – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than thông tin.
Một trong những giải pháp được xã Mường Than chú trọng thực hiện, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập. Một phần diện tích của cánh đồng Mường Than – cánh đồng rộng thứ 3 Tây Bắc nằm trên địa bàn xã, tạo lợi thế cho Mường Than đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp.
Các giống lúa chất lượng cao được xã vận động người dân đưa vào sản xuất thay thế các giống lúa địa phương, năng suất thấp. Cùng với thay đổi cơ cấu giống lúa, xã Mường Than còn vận động người dân các bản đẩy mạnh sản xuất vụ đông, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị trên một đơn vị diện tích.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã Mường Than giảm dần qua từng năm
Không chỉ thay đổi cơ cấu giống lúa, các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao cũng được nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đưa vào sản xuất như: Dâu tây, chanh leo, ớt, khoai tây. Từ năm 2023 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Mường Than đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng ớt, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy đầu ra của cây ớt khá ổn định, tháng 9/2023, gia đình anh Hoàng Văn Dũng, ở bản Đông (Mường Than) đã trồng thử nghiệm 1000m2. Sau 1 vụ trồng, nhận thấy cây ớt cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa, anh Dũng đã mạnh dạn mở rộng diện tích lên 7000m2.
"Gia đình tôi liên kết trồng ớt với Công ty xuất nhập khẩu Phúc An Phát HP ở Hải Dương nên không phải lo lắng về đầu ra. Trồng ớt không đòi hỏi cao về kĩ thuật. Sau 5 tháng trồng là có thể thu hoạch quả. Mỗi cây ớt cho thu từ 3 – 6kg/vụ. Vụ đầu trồng 1000m2, gia đình tôi lãi hơn 10 triệu đồng từ bán quả ớt tươi cho Công ty. Nhờ trồng ớt mà gia đình tôi có thêm thu nhập, cải thiện đời sống" – anh Dũng cho hay.
Cùng với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Mường Than còn thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trên cơ sở rà soát thực trạng hộ nghèo trên địa bàn, xã Mường Than triển khai hỗ trợ một cách hợp lý.
"Giả dụ như hộ nào nghèo về nhà ở, thì xã xin các nguồn hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc để xóa nhà tạm cho hộ đó. Còn hộ nào thiếu máy móc sản xuất, nếu thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì xã rà soát đưa vào danh sách để hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các hộ nghèo vươn lên" – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho hay.
Được hỗ trợ xóa nhà tạm, máy móc sản xuất, téc nước, cây con giống… các hộ nghèo ở xã Mường Than đã nỗ lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Với hướng đi đúng, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Mường Than giảm dần qua các năm. Mấy năm gần đây, năm nào xã Mường Than cũng thực hiện vượt chỉ tiêu giảm nghèo mà huyện Than Uyên giao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã bình quân hằng năm giảm từ 0,6 – 1%. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã Mường Than còn 6,07%, cận nghèo còn 4,46%.