Làm cánh đồng mẫu lớn, chi phí giảm 10 - 15%, giá trị tăng 20 - 25%

Làm cánh đồng mẫu lớn, chi phí giảm 10 - 15%, giá trị tăng 20 - 25%

13:49 - 26/10/2024

Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nên giữ vai trò điều phối, giúp các bên liên quan trong chuỗi lúa gạo dễ thống nhất về quan điểm làm việc.

 

Dự án nuôi trâu, bò sinh sản giúp hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Ông Nguyễn Tiến Định: 'Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vùng nguyên liệu'.

TS Nguyễn Tiến Định, Phó trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có tham gia thu mua lúa gạo.

 

Trong đó, khoảng 50 doanh nghiệp liên kết thu mua lúa gạo, bao gồm liên kết thu mua trực tiếp với hộ nông dân; hoặc thông qua các tổ chức như tổ hợp tác, HTX; hoặc liên kết thu mua thông qua thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp liên kết thu mua khoảng một phần tư tổng diện tích gieo trồng lúa cả vùng, tương đương khoảng 1 triệu ha diện tích gieo trồng lúa mỗi năm.

"Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu", ông Định nhận xét và thông tin thêm, rằng các tác nhân chính tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL bao gồm cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, nông dân canh tác lúa (hoặc HTX), hệ thống thu mua lúa, doanh nghiệp hoạt động trong các khâu sấy, xay xát, đánh bóng, xuất khẩu, phân phối nội địa và người tiêu dùng.

Đặc trưng của chuỗi này là có hàng nghìn cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, hàng chục nghìn thương lái thu mua lúa và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các công đoạn xay chà, đánh bóng, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa. Nhưng số doanh nghiệp có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc hợp tác xã và có cơ sở sấy, xay chà, đánh bóng để sản xuất ra gạo không nhiều.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt, ở ĐBSCL, mỗi hecta lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 - 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.

Nguyên nhân làm giảm chi phí giá thành sản xuất lúa là do nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời làm tăng chất lượng lúa gạo, tăng giá trị lúa gạo và giá bán.

"Đặc biệt, người nông dân được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu yên tâm sản xuất không lo sợ về đầu ra sản phẩm bị ế ẩm, mất giá", đại diện Cục Kinh tế hợp tác & PTNT nhấn mạnh.

Tham gia sản xuất trong HTX, người dân hưởng lợi nhiều mặt.

Về đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, TS Nguyễn Tiến Định cho rằng, nếu không có sự tham gia của HTX có năng lực và quy mô thì đề án sẽ khó triển khai hiệu quả.

Theo ông Định, HTX là yếu tố tiên quyết khi tham gia trực tiếp vào tổ chức áo dụng quy trình canh tác, kỹ thuật, đo đạc giảm phát thải, cung ứng dịch vụ đầu vào, tức liên quan trực tiếp đến hoạt động tổ chức sản xuất của người nông dân.

Để thúc đẩy sự tham gia của HTX, Cục Kinh tế hợp tác & PTNT đã tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức chương trình nâng cao năng lực cho đội ngũ HTX. Ngoài ra, phối hợp với hội nông dân các cấp, các cơ quan, bộ, ngành liên quan để cùng vận động nông dân tham gia và cho thấy những lợi ích khi tham gia mô hình HTX.

Hiện Cục đẩy mạnh triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX. Những chương trình, đề án xoay quanh HTX như logistics, khuyến nông cộng đồng đều lấy tổ chức này làm nòng cốt để xây dựng triển khai.

Năm 2020, diện tích trung bình mỗi hộ trồng lúa ở ĐBSCL là 1,24 ha/hộ, cao hơn nhiều trung bình cả nước (0,34 ha/hộ) và so với các vùng khác. Những năm gần đây, xu hướng tích tụ tập trung ngày càng tăng vì thế số cánh đồng trên 10ha ở ĐBSCL ngày càng tăng nhanh, đòi hỏi các tổ chức nông dân phải có sự phát triển tương xứng.

Với sự phát triển của kinh tế và chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân ở ĐBSCL đã chuyển sang sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại, tập trung vào sản xuất hàng hóa để bán ra thị trường. Nhờ đó, họ có thể tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện điều kiện sản xuất.

Cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại ĐBSCL.

Đồng tình với quan điểm của ông Định, TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chỉ ra rằng, để nâng cấp và phát triển chuỗi lúa gạo, cần thực hiện tốt nhiều khâu, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

"Chuỗi lúa gạo hiện nay giống như một khu rừng, trong đó, để phát triển bền vững phụ thuộc vào sự hòa hợp giữa các yếu tố nội tại. Dù vậy, mối quan hệ giữa các bên chưa thực sự ăn ý, dẫn đến việc không hiểu nhau về lợi ích và mục tiêu", ông Nhân phân tích.

Vị tiến sĩ lấy ví dụ, tư duy kinh doanh của nông dân và HTX còn hạn chế, khiến họ khó nắm bắt được thị trường và các cơ hội kinh doanh. Ngược lại, việc thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro làm cho nông dân chịu áp lực lớn, trong khi doanh nghiệp và thương lái lại thu lợi từ sản phẩm của họ. Năng lực của HTX và nông dân vẫn còn yếu, dẫn đến sự thiếu hiểu biết về kinh doanh, cản trở sự phát triển của chuỗi giá trị lúa gạo.

Vì vậy, trong quá trình triển khai đề án 1 triệu ha lúa, ông Nhân đề xuất cơ quan quản lý, trong đó có hệ thống khuyến nông, phải đóng vai trò điều phối để giúp các bên hiểu nhau và hợp tác hiệu quả. Sự hợp tác giữa nông dân - nông dân và nông dân - HTX là rất cần thiết trong áp dụng kĩ thuật khoa học và biện pháp canh tác hiệu quả.

"Để các bên dễ dàng đạt được thỏa thuận chung, cần tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên và thông tin minh bạch giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để cùng hướng đến một mục tiêu, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường", ông Nhân phân tích.