Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới, Cục chức năng của Bộ Công thương lý giải tại sao
14:55 - 21/01/2025
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê khi lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới, đưa giá trị xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Lào Cai cung ứng đủ nhu cầu rau xanh dịp Tết
Ở Lào Cai dân trồng thứ cây tốt um, cuối năm tàn tạ, cuốc một nhát bật lên mỗi một củ, thiên hạ bất ngờ
Giá gạo giảm, xuất khẩu gạo Việt Nam dự báo khó duy trì mức cao
Giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2024 là một năm thành công đối với ngành cà phê Việt Nam khi trị giá xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam quý IV/2024 ước đạt 208.400 tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với quý III/2024; giảm 43,7% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với quý IV/2023. Tính chung cả năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, trị giá 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 29,1% về trị giá so với năm 2023.
Năm 2024 còn là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê khi lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn giá cà phê Arabica và đây là điều chưa từng xảy ra. Cụ thể, trong tháng 12/2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 75.450 USD/tấn, giảm nhẹ 2,3% so với tháng 11/2024, tuy nhiên so với tháng 12/2023 tăng mạnh 88,8%. Tính chung cả năm 2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu ước đạt 4.158 USD/tấn, tăng 59,1% so với năm 2023.
"Người trồng cà phê, cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp cần tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn".
Ông Nguyễn Quang Bình -
chuyên gia thị trường cà phê
11 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng mạnh 35,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,01 triệu tấn, trị giá 3,67 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta chiếm 74,44% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong 11 tháng năm 2024.
Việt Nam xuất khẩu 59.500 tấn cà phê Arabica, trị giá 207,2 triệu USD, tăng 60,8% về lượng và tăng 42,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Arabica chiếm 4,20% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong 11 tháng năm 2024.
Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 34,4% so với 11 tháng năm 2023, đạt 1,04 tỷ USD, chiếm 21,15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước trong 11 tháng năm 2024.
Về thị trường, 3 thị trường nhập khẩu cà phê nhiều nhất từ Việt Nam gồm EU, Mỹ, Trung Quốc.
Tại EU, theo Eurostat, tốc độ nhập khẩu cà phê của EU từ Việt Nam ghi nhận mức tăng cao 25,5%, đạt 1,60 tỷ EUR (tương đương 1,67 tỷ USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU tăng từ 8,8% trong 9 tháng năm 2023 lên 10,0% trong 9 tháng năm 2024.
Tại thị trường Mỹ, theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 10 tháng năm 2024, Mỹ nhập khẩu 7,35 tỷ USD cà phê, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu cà phê của Mỹ từ Việt Nam đạt xấp xỉ 335,0 triệu USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đạt 4,6% trong 10 tháng năm 2024.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 894 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 97,4 triệu USD, tăng 161%.
Năm 2025, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ toàn cầu năm 2025 sẽ tăng thêm 5,1 triệu bao, đạt mức 168,1 triệu bao, chủ yếu từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, nhập khẩu cà phê của EU năm 2025 dự báo tăng 1 triệu bao, lên mức 45 triệu bao nhờ nguồn cung lớn hơn đến từ Việt Nam và Indonesia. EU vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ dự kiến đạt hơn 42 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, tăng hơn 2,4 triệu bao so với niên vụ trước.
Với Trung Quốc, tiêu thụ cà phê tăng gần 150% trong 10 năm qua và được dự báo đạt 6,3 triệu bao (bao 60kg) trong niên vụ 2024-2025. Với sản lượng trong nước dao động quanh mức 2 triệu bao, Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng. Trong thập niên qua, nhập khẩu cà phê của Trung Quốc tăng gần 3 lần và dự báo đạt mức 5,6 triệu bao trong niên vụ 2024-2025.
Trước những diễn biến mới của thị trường, Cục Xuất nhập khẩu dự báo, năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng. Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến tăng 1,8 triệu bao trong năm 2025, lên 24,4 triệu bao nhờ nguồn cung cải thiện.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính sẽ cải thiện. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước châu Âu cũng sẽ tạm lắng xuống khi quy định EUDR được hoãn thời điểm bắt đầu thi hành sang cuối năm 2025.
Năm 2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới, chủ yếu do những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil do thời tiết không thuận lợi. Dự báo năm 2025, giá cà phê thế giới sẽ điều chỉnh giảm do nguồn cung phục hồi.
Theo ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên sử dụng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Nếu chỉ bám vào cung - cầu nguyên liệu thì giá trị cà phê trong toàn chuỗi cũng không thay đổi nhiều. Do đó, Việt Nam phải tập trung cải thiện chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm có bản sắc, giá trị cao hơn là cà phê nguyên liệu. Đây không chỉ là một gợi ý về cơ hội, mà là một xu hướng cần được bắt nhịp để gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững hay thực hành sản xuất đáp ứng tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG) đã là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, muốn bán được hàng ra thế giới và bán được cho những thị trường quan trọng như EU, không còn con đường nào khác, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến đạt tiêu chuẩn.