Làn sóng chăn nuôi tập trung ở vùng cao
20:45 - 16/09/2024
LAI CHÂU Chăn nuôi tập trung an toàn sinh học vừa giúp phòng ngừa dịch bệnh, tiết kiệm chi phí lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hiện đang là xu hướng tại vùng cao Lai Châu.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Hợp tác xã Dung Bảo tại bản Sen Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) có quy mô hơn 100 con trâu bò với khu chăn nuôi rộng hơn 1.000m2. Trang trại của hợp tác xã này thực hiện chăn nuôi quy trình khép kín, hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường.
Mỗi ngày, đàn gia súc thải ra số lượng lớn tuy nhiên hợp tác xã đã xây hầm biogas để biến chất thải thành khí phục vụ đun nấu. Số còn lại được ủ để làm phân bón cho khoảng 5ha cỏ voi, đây cũng là nguồn thức ăn chính cho đàn gia súc của hợp tác xã.
Ngoài nuôi trâu, bò, Hợp tác xã xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn khép kín với quy mô từ 100 - 200 con, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động.
Ông Kiều Văn Dung, Giám đốc Hợp tác xã Dung Bảo cho hay, từ khi chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi của hợp tác xã hầu như không có. Công tác xử lý chuồng trại, thức ăn, nước uống và vệ sinh môi trường chăn nuôi được hợp tác xã thực hiện nghiêm. Cùng từ đó, doanh thu đã cũng tăng lên đáng kể, tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động, lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng là một trong những hộ chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, ông Kiều Thanh Yên ở bản Sam Sẩu, xã Phúc Than (huyện Than Uyên) đầu tư, phát triển trang trại chăn nuôi lợn gần 2.000 con. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi tái xuất hiện, nhưng đàn lợn của ông không bị ảnh hưởng.
“Chăn nuôi an toàn sinh học đòi hỏi những người chăn nuôi thực hiện tốt các quy định như: Tắm, thay quần, áo, đeo khẩu trang, đi qua phòng khử khuẩn trước khi vào trang trại chăn nuôi. Thế nên, lợn của trang trại không nhiễm bệnh”, ông Kiều Thanh Yên chia sẻ.
Các dãy chuồng của trang trại này đều có quạt thông gió, dàn mát, camera giám sát… 7 tháng năm 2024, trang trại xuất ra thị trường hơn 100 tấn lợn hơi, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy chăn nuôi
Với lợi thế đất đai rộng rãi, khí hậu phù hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân Than Uyên từng bước đầu tư chuồng trại, trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc… Bà con từ bỏ thói quen chăn thả tự do và nuôi một vài con gia súc, gia cầm trong vườn nhà, mất vệ sinh mà hiệu quả không cao.
Từ khi Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025 đã giúp nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Than Uyên có thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống… Chăn nuôi của bà con cũng vì thế phát triển theo hướng tập trung, quy củ hơn. Qua đó, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm ngay tại địa phương…
Bà Vàng Thị Quyết ở bản Sân Bay, xã Phúc Than (huyện Than Uyên, Lai Châu) được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Nghị quyết 07. Số tiền này, bà đầu tư làm chuồng trại kiên cố với hệ thống máng ăn, nước uống, quạt và xử lý chất thải khoa học để chị nuôi 24 con bò, 6 con trâu và trồng hơn 6.000m2 cỏ voi.
“Được sự hỗ trợ, gia đình có điều kiện đầu tư chuồng trại chăn nuôi kiên cố, giúp có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”, bà Vàng Thị Quyết nói.
Theo Nghị quyết 07, huyện Than Uyên được giao tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng, triển khai thực hiện 9 nội dung. Trong đó, có hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ trồng cỏ và các loại cây thức ăn gia súc. Đến nay, hàng nghìn mét vuông chuồng trại, hàng chục hécta cỏ voi đã được trồng từ nguồn kinh phí này, tập trung tại các xã: Phúc Than, Mường Than, Tà Mung, Khoen On...
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã cùng các cơ quan chuyên môn, không chỉ tăng cường công tác lãnh chỉ đạo, mà trực tiếp sát cánh cùng các hộ sản xuất từng bước tháo gỡ các khó khăn. Lồng ghép các nguồn vốn hiệu quả, để tạo nguồn lực tổng hợp giúp nông nghiệp Than Uyên có thêm sinh luồn khí mới, gặt hái được những thành quả.
Qua đó, góp phần đổi thay tư duy sản xuất của người nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thu nhập của người dân trên địa bàn.
Tín hiệu để phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn
Theo ngành nông nghiệp Than Uyên, trên địa bàn huyện hiện có 47 cơ sở chăn nuôi trâu, bò, nhiều hộ chăn nuôi tập trung quy mô trên 20 con; 25 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 60 con trở lên. Các cơ sở cũng như người dân chủ yếu chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học và cho thấy hiệu quả cao so với nuôi nhỏ lẻ trước đây.
Ông Vũ Văn Nội, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Than Uyên cho hay, thời gian qua, một số dịch, bệnh đang hoành hành trên đàn vật nuôi như: Dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên đàn trâu, bò… làm nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng. Tuy nhiên, đối với chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng an toàn sinh học đã phòng chống được dịch bệnh lại có hiệu quả kinh tế.
“Chế độ chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, có tính chủ động cao. Ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài lây vào đàn gia súc và còn đảm bảo vệ sinh môi trường, tận dụng triệt để chất thải làm phân bón, biogas…”, ông Vũ Văn Nội nhấn mạnh.
Chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học giúp người dân giảm chi phí, giảm công chăm sóc, giảm giá thành trong chăn nuôi, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm…
Qua đánh giá, đối với các cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung theo hướng an toàn sinh học, mặc dù thời điểm này giá trâu, bò xuống, nhưng trung bình mang lại lợi nhuận 1,5 triệu đồng/con gia súc/năm. Với cơ sở chăn nuôi lợn, mỗi lứa lợn khoảng 3,5 - 4 tháng, giá lợn hơi trung bình từ 60 - 65 nghìn đồng/kg thì đạt 1 - 1,2 triệu đồng/con, đã trừ chi phí.
Đặc biệt, đây là tín hiệu tốt, để cơ quan chuyên môn của huyện Than Uyên tập trung tuyên truyền, vận động các chủ trang trại, hộ chăn nuôi mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập. Và cơ hội để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa chăn nuôi từ nhỏ lẻ thành thế mạnh địa phương.