Làng rau trên cát tất bật xuống giống rau vụ đông
15:29 - 08/11/2024
HÀ TĨNH Bà con vùng trồng rau trên cát xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tất bật xuống giống và chăm sóc rau màu để kịp thời cung ứng cho thị trường cuối năm.
Giá tiêu ở Bình Phước đột ngột giảm sâu nhất trước làn sóng giảm giá ở Tây Nguyên hôm nay
Trang trại cây ăn quả hiệu quả cao
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng, Lâm Đồng và Gia Lai nâng giá thu mua sát nút Đắk Lắk, Đắk Nông
Vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai tại vùng lũ Mường Pồn
Vùng đất cát bạc màu ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trước đây từng rơi vào tình trạng hoang hóa nghiêm trọng. Mùa nắng như chảo lửa, cây cối khô cằn, cháy rụi; mùa mưa ngập úng nên chỉ có thể bỏ hoang như sa mạc. Thế nhưng gần 10 năm nay, những dải cát trắng được phủ xanh bởi những vườn rau củ tươi tốt quanh năm, trở thành vựa rau củ quả có tiếng. Thời điểm này, người dân tại đây đang tích cực xuống giống rau màu để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm.
Gia đình bà Phan Thị Đào tại thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn năm nay sản xuất gần 1 mẫu rau màu vụ đông. Trong đó hiện đã trồng được hơn 5 sào cải củ, cà rốt và bí đỏ. Bà Đào cho biết: “Sau những ngày mưa lớn, thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tích cực chăm sóc số rau đã trồng và tiếp tục làm đất để phủ kín số diện tích còn lại trước ngày 15/9 âm lịch cho kịp thời vụ. Nếu thời tiết nắng ấm thì khoảng 50 ngày rau sẽ cho thu hoạch, còn thời tiết mưa rét thì có thể kéo dài 60 ngày”.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Quốc Ninh tại thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn cũng đang tích cực chăm sóc hơn 5 sào cải củ và cà rốt đã trồng được hơn 10 ngày. Ông Định cho hay: “Những năm gần đây rau được trồng đúng kỹ thuật, an toàn nên thương lái tìm đến tận nơi để mua. Mỗi năm gia đình tôi trồng từ 2 - 3 vụ rau, mỗi vụ thu hoạch khoảng 30 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình. Chính vì vậy thời điểm này, gia đình tôi đang tập trung bón phân, làm cỏ và tưới nước nhằm đảm bảo rau sinh trưởng và phát triển tốt”.
Tổ hợp tác sản xuất rau Thuận Hòa (xã Thạch Văn) sản xuất trên diện tích hơn 3ha. Với phương châm không cho đất nghỉ, bà con sản xuất theo hình thức luân canh, xen kẽ giữa cây ngắn ngày và dài ngày. Từ tháng 10, bà con đã xuống đồng để sản xuất nhằm có sản phẩm rau vụ thu đông, vụ đông sớm xuất bán thường xuyên và kéo dài đến cận Tết. Thị trường tiêu thụ chính là tại các chợ ở thị xã Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Bà Phan Thị Nga, thành viên Tổ hợp tác Thuận Hòa cho biết: "Gia đình tôi sản xuất hơn 1ha rau, chủ yếu trồng các loại rau như cà rốt, bí đỏ, dưa chuột, cải củ, hành lá... Đến thời điểm này đã trồng đc hơn 6 sào, diện tích còn lại do đất trũng nên chưa sản xuất được. Đối với diện tích đã gieo trồng, gia đình tôi đang tích cực chăm sóc và sẽ phủ kín diện tích còn lại vào cuối tháng 10".
Thời gian này, các thành viên của HTX rau, củ, quả Hằng Bảy ở xã Thạch Văn cũng đang tích cực bám đồng. Không chỉ tập trung chăm sóc, bà con nông dân còn kịp thời làm đất, xuống giống cho lứa tiếp theo để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.
Hiện nay, nông dân trong HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động, tạo thuận lợi cho việc tưới rau, thường xuyên giữ ẩm cho đất nên cây trồng phát triển tốt, đồng đều. Nhờ trồng rau có thu nhập quanh năm nên kinh tế bà con trong HTX khá hơn trước. Riêng dịp Tết, sản lượng rau bán ra của HTX tăng cao nên thu nhập tăng từ 4 - 5 lần so với ngày thường.
Đầu vụ đông năm nay, sau khi dứt các đợt mưa sau bão số 3, nhờ thời tiết thuận lợi nên đến thời điểm này các diện tích củ cải, cà rốt, bí đỏ và khoai lang đã trồng phát triển tốt. Tuy nhiên hiện tượng dế cắn rễ đã ảnh hưởng không nhỏ đến rau màu, do đó nhiều hộ dân đã phải ra đồng bắt dế và tích cực trồng xen dắm số rau màu bị hỏng.
Vụ đông năm nay, xã Thạch Văn sản xuất gần 14ha rau màu các loại, thời điểm này đã sản xuất được hơn 80% diện tích. Toàn xã có 2 HTX và 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn được đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, mạng lưới điện đảm bảo phục vụ sản xuất.
"Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng rau, đồng thời cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, xã Thạch Văn đã mở rộng diện tích vùng trồng rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được thương hiệu rau an toàn", ông Lê Thành Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Văn cho biết.