Lào Cai khôi phục, mở rộng diện tích trồng chuối
22:57 - 18/08/2024
Tỉnh Lào Cai xác định chuối là một trong những cây trồng chủ lực cần ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, diện tích chuối trên địa bàn tỉnh liên tục giảm.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Diện tích giảm hơn 1.300ha
Cụ thể, diện tích chuối của Lào Cai từ gần 3.333ha năm 2021, đến nay giảm chỉ còn 2.077ha. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh vàng lá Panama vẫn diễn biến phức tạp tại các vùng trồng chuối lâu năm. Bên cạnh đó, sản xuất chuối chưa có liên kết bền vững, giá bán bấp bênh nên người dân có xu hướng chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trước tình hình đó, năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch khôi phục, mở rộng diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó tập trung khôi phục, mở rộng diện tích trồng chuối trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuối tập trung, quy mô lớn gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng chuối. Đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất chuối hàng hóa; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến; huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Cụ thể năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu duy trì và phát triển vùng sản xuất chuối đạt gần 2.513/2.285ha, trong đó trồng mới gần 773/700ha, đạt 110,4% kế hoạch; năng suất đạt trên 30 tấn/ha, giá trị trên 374 tỷ đồng. Năm 2025, toàn tỉnh duy trì và phát triển vùng sản xuất chuối 3.500/3.500ha, trong đó trồng mới hơn 987ha; sản lượng 70.000 tấn, giá trị trên 800 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên, toàn tỉnh tập trung các giải pháp:
Tập huấn kỹ thuật cho toàn bộ hộ trồng chuối
- Về tổ chức sản xuất: Tổ chức rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có trên địa bàn để quy hoạch vùng trồng, bố trí đất sản xuất chuối phù hợp theo định hướng chung của tỉnh và phải đảm bảo duy trì, mở rộng quy mô diện tích. Xây dựng kế hoạch luân chuyển diện tích đất trồng chuối lâu năm, đất trồng cây giá trị thấp sang trồng chuối theo hướng hàng hóa, đảm bảo duy trì và mở rộng quy mô diện tích trên địa bàn.
Gắn phát triển vùng trồng chuối với các cơ sở đóng gói xuất khẩu, bảo quản, chế biến sản phẩm. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm chuối. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, định hướng quy mô vùng trồng, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chuối từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã để xây dựng liên kết bền vững giữa danh nghiệp với người sản xuất.
Đối với hộ gia đình, chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất chuối tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường đối với quả chuối và các sản phẩm chuối. Đào tạo, tập huấn cho toàn bộ các hộ trồng chuối về kỹ thuật theo quy trình của Cục Trồng trọt (sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây chuối theo VietGAP và các tiêu chuẩn khác theo yêu câu thị trường).
Sử dụng giống kháng bệnh Panama
- Về khoa học công nghệ: Thực hiện từng bước chuyển đổi số trong sản xuất chuối hàng hoá, dựa trên nền tảng dữ liệu về đất đai, cây trồng, môi trường, thời tiết để nâng cao giá trị ngành hàng chuối của tỉnh.
Áp dụng khoa học công nghệ xây dựng các vùng sản xuất chuối an toàn dịch bệnh, sử dụng các giống chuối mới tạo đột phá về năng suất, chất lượng, kháng bệnh Pannama, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hóa trong sản xuất chuối tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói giúp truy xuất nguồn gốc, gắn với sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, quy chuẩn để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đảm bảo 100% diện tích chuối hàng hóa được cấp mã vùng trồng.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật canh tác chuối bền vững cho nhân dân theo sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây chuối theo VietGAP do Cục Trồng trọt ban hành; quy trình quản lý tổng hợp bệnh vàng lá chuối (bệnh héo rũ Panama) do Cục Bảo vệ thực vật ban hành.
Đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho các hợp tác xã, trang trại, nông dân ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực tư vấn và dịch vụ khuyến nông của trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ; tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; khởi nghiệp, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
- Về liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Đối với thị trường trong nước, xây dựng hình ảnh sản phẩm chuối đặc sản vùng miền (chuối ngự Hồng Cam). Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Đối với thị trường xuất khẩu: Mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng vẫn giữ trọng tâm là thị trường Trung Quốc, sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu và tháo gỡ rào cản thương mại. Tăng diện tích cấp mã số vùng trồng cho các diện tích chuối trên địa bàn tỉnh. Tại các vùng sản xuất chuối tập trung, tổ chức thành lập các tổ, nhóm để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nhằm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.