Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai

Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai

22:12 - 11/08/2024

Ông Thào Sùng, thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn cùng nhau giữ gìn cây chè Shan tuyết cổ thụ, khai thác sản phẩm chè búp tươi bán ra thị trường để nâng cao thu nhập.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Không biết từ bao giờ, trên những vạt đồi ở vùng cao xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã có những cây chè Shan tuyết cổ thụ, quần tụ thành rừng, quanh năm xanh tốt. Có được thành quả ấy không thể kể đến công lao của những người già làng, có uy tín trong cộng đồng. 

 

Trong đó, có lão nông Thào Sùng, thôn Sú Dí Phìn đã tuyên truyền, vận động bà con trong thôn cùng nhau giữ gìn cây chè, khai thác chè búp tươi bán ra thị trường để có thêm thu nhập.

 
Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai- Ảnh 1.

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Thào Sùng ở thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương vẫn hàng ngày say mê, tâm huyết với những gốc chè Shan tuyết cổ thụ giữa đại ngàn núi non xanh biết.

Từ đó, đã từng bước đưa sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng vươn xa hơn, được nhiều người biết đến.

Theo chân cán bộ Khuyến nông xã Tả Thàng, chúng tôi tìm đến gia đình ông Thào Sùng. Con đường bê tông hoá khang trang ngoằn ngoèo theo sườn núi, dốc đá cheo leo, cách trung tâm xã khoảng 3km.

Mùa này, đến ngôi nhà của ông Thào Sùng, gia đình ông cũng như các hộ dân trong thôn đang tranh thủ thời tiết nắng ráo bận rộn cùng người thân lên nương thu hoạch bắp ngô. Những bắp ngô đã thu hoạch xong thì ông Sùng tách lấy hạt ra phơi khô ngoài sân nhà để nuôi gà, nuôi lợn.

Mặc dù bận rộn công việc trên nương nhưng thấy nhà báo đến, ông Sùng gác lại công việc trên nương để ngồi trò chuyện, tâm sự về chuyện giữ gìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở nơi đây.

Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai- Ảnh 2.

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi ở xã Tả Thàng, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Rót chén chè thơm nồng mời khách, ông Thào Sùng kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Sú Dí Phìn, sau khi học xong tôi trở về địa phương công tác ở xã Tả Thàng, từng giữ các chức vụ cán bộ Địa chính xã rồi Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Tả Thàng. Năm 2020, tôi được nghỉ hưu theo chế độ.

Theo ông Sùng cuộc sống gia đình ông qua các thế hệ từ thời ông, bà cụ đến bố, mẹ đẻ ông Sùng đều gắn bó với cây chè cổ thụ này rồi. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, khi thương hiệu chè Shan tuyết được nhiều người biết đến, cũng như đầu ra ổn định bà con mới biết chăm sóc nhiều hơn. Hiện nay, những cây chè này vẫn được bà con trong thôn bảo vệ, giữ gìn như báu vật vậy.

Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai- Ảnh 3.

Ông Thào Sùng, thôn Sú Dí Phìn, xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai thu hoạch búp chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Mùa Xuân.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè Shan tuyết cổ thụ của gia đình, ông Sùng hào hứng chỉ tay lên những gốc cây chè có tuổi đời gấp 2-3 lần so với tuổi của ông. Ngắm nhìn từng búp chè xanh non mơn mởn đang tích tụ tinh túy của đất trời cứ thế vươn lên trong nắng mới, từng gốc cây chè Shan tuyết cổ thụ cứ to sừng sững có tự bao giờ chưa ai có thể lý giải được.

Ông Thào Sùng bảo: Gia đình tôi có khoảng 1ha chè Shan tuyết cổ thụ được khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt cùng với các hộ dân khác trong thôn. Những cây chè ở đây hoàn toàn phát triển tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại chất kích thích nào. Trong quá trình chăm sóc, bà con chúng tôi chỉ được dùng liềm để phát cỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật vì sẽ rất hại đất, hại cây và ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm chè.

Việc sở hữu 1ha chè Shan tuyết cổ thụ, nếu chè không có sâu bệnh gì, một năm ông Sùng hái được khoảng hơn 1 tấn chè búp tươi, với giá bán 30 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 40 triệu đồng. Với giá bán như này cao gấp nhiều lần so với hạt ngô, hạt thóc.

Lão nông bảo tồn cây chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Lào Cai- Ảnh 4.

Những búp chè tươi cổ thụ hội tụ tinh hoa cảu đất trời ở vùng cao Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Tận mắt đến vùng cao Tả Thàng, nơi cao hơn 1.000m so với mực nước biển mới cảm nhận rõ sự kỳ vĩ của nó tại đây. Những cây chè cổ thụ bao nhiêu năm vẫn cứ bám trụ trên vách núi, uống từng giọt sương rơi, tắm nắng sớm mai, chắt chiu từng nguồn dinh dưỡng từ mảnh đất nơi này.

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ khoác lên mình vẻ cổ kính rêu phong, từ đó tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao nước tốt cho sức khoẻ được nhiều người trong nước và quốc tế đón nhận. 

Để rồi khi nhắc đến vùng cao Tả Thàng ở vùng cao huyện Mường Khương (Lào Cai) du khách lại nhớ đến hương vị đậm đà của chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây.