Lão nông bỏ túi hàng trăm triệu nhờ trồng thứ quả “lạ” có vị ngọt ngào
20:11 - 05/06/2024
Với quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, ông Huỳnh Văn Cập đã mày mò và phát triển thành công giống thanh trà ngọt có giá trị kinh tế cao.
Giá tiêu còn giữ ở mức cao nhưng coi chừng những rủi ro khó lường
Thái Nguyên: Trên trồng cây ăn quả, dưới thả gà, cây tốt, quả ngọt, cỏ dại biến đi đâu?
Cơ hội mới giữa những thách thức của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Giá cà phê tăng vọt, Đắk Nông lập đỉnh mới, gián đoạn nguồn cung lớn từ Brazil và Việt Nam
Thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) vốn nổi tiếng với nhiều đặc sản nức lòng du khách thập phương. Ngoài bưởi năm roi còn có một thứ trái được nâng lên tầm thương hiệu của vùng đất này, đó là thanh trà. Trái thanh trà ở Bình Minh được trồng nhiều nhất ở các ấp Đông Hưng 1, Đông Hưng 2, Đông Hòa của xã Đông Thành. Thanh trà Bình Minh là đặc sản nổi tiếng ở Vĩnh Long hàng chục năm nay.
Cứ sau Tết âm lịch đến tiết thanh minh, thanh trà Bình Minh lại chín vàng cây, trái căng tròn đẹp mắt. Thương lái đến vườn mua thanh trà mang ra quốc lộ 1, đoạn dưới chân cầu Cần Thơ để bán.
"Mùa thu hoạch thanh trà kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm. Ngày trước, người dân ở đây chủ yếu trồng thanh trà chua, nhưng giờ đây đã chuyển sang trồng loại thanh trà ngọt, vì bán được giá hơn”, ông Huỳnh Văn Cập (59 tuổi, ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) thông tin với VietNamNet .
Ông Cập cho biết, trước đây vườn nhà ông chủ yếu trồng bưởi, xen vào đó là những cây thanh trà chua. “Thời đó ở đây cũng có giống thanh trà ngọt, nhưng trái nhỏ, cây hay bỏ mùa (không ra trái) nên mọi người chỉ trồng vài cây để ăn chơi. Nhu cầu mọi người tìm mua thanh trà ngọt rất nhiều. Từ đây, tôi ấp ủ ý định trồng cây thanh trà ngọt”, ông Cập nói.
Muốn làm giàu trên mảnh đất quê mình, ông Cập đi khắp nơi để tìm giống cây giống thanh trà ngọt đúng ý mình. Hơn chục năm trước, trong dịp tình cờ ông Cập ấn tượng với một cây thanh trà ngọt, trái to, cơm dày nên quyết định lựa chọn cây giống về trồng để “khởi nghiệp”.
"Giống thanh trà ngọt này có nguồn gốc từ Hà Tiên - Kiên Giang và người dân ở đây hay gọi là "xoài rừng". Nhiều năm về trước, tôi mua cây giống về trồng, sau 3 năm cây bắt đầu ra trái. Trái chín to như trứng gà ta, có màu vàng cam, vị ngọt, ăn được vỏ nên tôi quyết định mua cây giống với số lượng lớn", ông Cập kể với báo Người Lao Động .
Từ những cây thanh trà này, ông Cập đã sưu tầm để nghiên cứu đặc tính, so sánh năng suất, độ chua, ngọt và tuyển chọn ra được một số cây thanh trà có năng suất đột biến, hương vị ngọt để nhân giống. Sau nhiều năm miệt mài với cây này, ông đã phát triển được giống thanh trà ngọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đồng thời cho trái to, năng suất cao, không bỏ vụ như hiện nay và đã được đăng ký độc quyền nhãn hiệu cây giống thanh trà ngọt Năm Cập.
“Giống thanh trà ngọt Năm Cập khác với giống thanh trà truyền thống. Trái thanh trà ngọt chín qua đánh giá của Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy tỷ lệ thịt chiếm 70%, hạt chỉ chiếm 30%, có vị ngọt thanh. Cây trồng khoảng 3 năm sẽ cho trái đợt đầu tiên từ 3-5kg, sau đó tăng dần theo từng năm, đến khi đạt 10 năm tuổi thì có thể thu hoạch 50-60kg/cây. Do sản lượng thanh trà ngọt còn ít nên giá bán khá cao, dao động từ 100 - 120 nghìn đồng. Với năng suất và giá bán như vậy, nếu nông dân trồng thanh trà ngọt sẽ có thu nhập khá, không thua các giống cây trồng khác”, ông Cập nói với báo Tin tức.
Đáng phấn khởi, thanh trà ngọt Năm Cập đã được công nhân đạt chứng nhận 4 sao đối với sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương, đang định hướng phát triển thị trường vào các siêu thị.
"Trái thanh trà ngọt của tôi khi chín có màu vàng cam đẹp, mùi thơm, vị ngọt và nhiều dinh dưỡng", ông nói và cho biết thêm, hiện đang bán giống thanh trà ngọt 150.000 -250.000 đồng/cây. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, ông Cập có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây thanh trà ngọt.
Thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế của cây thanh trà ngọt, nhiều nông dân tại thị xã Bình Minh đã mạnh dạn tăng diện tích trồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh trà giảm năng suất đáng kể. Đặc biệt, vụ vừa qua, nhiều vườn thanh trà của người dân đã giảm gần 80% năng suất so với những năm trước, dù giá bán tăng cao nhưng người dân vẫn lo lắng cho những vụ tiếp theo.
Trăn trở trước tình hình nay, mấy năm qua, ông Huỳnh Văn Cập tiếp tục tự mày mò nghiên cứu, liên kết với các đơn vị, viện, trường để được tư vấn. Ông còn sang tận Thái Lan để tham quan mô hình trồng thanh trà ngọt và tìm cách để vận dụng, xử lý đối với giống cây này ở địa phương mình.
Sau vài lần thử nghiệm, ông Cập đã thành công cho cây thanh trà ra trái né thời điểm chính vụ. Cây thanh trà bước đầu phát triển tốt mà không phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu trái.
Ông Cập cho biết, để xử lý thanh trà ra trái theo ý muốn, ông đã thử nghiệm nhiều đợt, mỗi đợt từ 8-10 gốc thanh trà ngọt. Nếu như trước đây, cây thanh trà ra hoa, đậu quả phần lớn phụ thuộc vào thời tiết thì qua quá trình can thiệp các biện pháp bón phân, tưới nước... đúng thời điểm, cây đã ra hoa gần như 100%, sản lượng đạt yêu cầu.
Nhờ "mát tay" xử lý, đợt vừa qua, thanh trà ở địa phương hết mùa nhưng ở hợp tác xã vẫn có sản phẩm để bán ra thị trường, giá tăng lên đến 160 nghìn đồng/kg. Ông Cập phấn khởi cho biết, thử nghiệm mấy đợt đều đạt yêu cầu rồi, năm sau sẽ tiếp tục xử lý để không bị mất mùa, nếu hiệu quả thì nhân rộng cho bà con.
Là thành viên Hợp tác xã, ông Huỳnh Văn Hào đã cùng ông Huỳnh Văn Cập thử nghiệm việc xử lý cho cây thanh trà ra trái theo ý muốn. Theo ông Hào, việc xử lý cho cây ra trái theo ý muốn đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm mới đạt năng suất như mong đợi. Qua các lần thử nghiệm, vườn cây phát triển tốt, năng suất và lợi nhuận tăng nhiều lần nên ông rất phấn khởi.
Những năm qua, nhờ "đi trước, đón đầu" nên các sản phẩm cây giống và trái thanh trà của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống - quả thanh trà ngọt Đông Thành luôn bán được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ về những định hướng sắp tới, ông Huỳnh Văn Cập cho biết, dù có giá trị kinh tế cao nhưng cây thanh trà ngọt hiện nay có sản lượng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; do đó, ông mong muốn được mở rộng diện tích và tăng năng suất để từng bước hình thành vùng nguyên liệu ở địa phương.
Bước đầu có thể đưa quả thanh trà vào siêu thị để nâng cao giá trị sản phẩm, về lâu dài nếu địa phương hỗ trợ nhân rộng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu và tiến xa hơn có thể xuất khẩu.