Lão nông ở Hòa Bình "bỏ túi" hơn nửa tỷ mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp
12:07 - 22/08/2024
Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Bùi Văn Xiến (SN 1973, ở khu Bãi, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) có thu nhập khoảng 550 - 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức 5 triệu đồng/người/tháng.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Sinh ra và lớn lên ở vùng Mường Động, trong một gia đình thuần nông, ngay từ nhỏ, ông Bùi Văn Xiến đã được làm quen với các kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, trước đây gia đình ông chỉ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ nên thu nhập không cao. Cuộc sống của gia đình ông Xiến nhiều năm trước gặp không ít khó khăn.
Với quyết tâm phải làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Xiến luôn suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình, do đó ông đã đi tham khảo nhiều mô hình làm kinh tế từ nông nghiệp.
Nhận thấy đồng đất quê nhà có lợi thế phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp hiện đại, nhu cầu mua bán thức ăn chăn nuôi tăng, với số vốn vay đầu tiên, ông Xiến đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển và dịch vụ nông nghiệp.
Sẵn có vật tư đầu vào tại cửa hàng, ông Xiến tranh thủ quy hoạch diện tích đất sản xuất và xây dựng thêm khu chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Đàn lợn sinh trưởng tốt, duy trì ổn định và chất lượng luôn được kiểm soát. Từ 25 con lợn nái ban đầu, mô hình chăn nuôi của ông Xiến đã phát triển thành trang trại với quy mô nuôi 30 con lợn nái, 350 con lợn thịt.
Ông Xiến bộc bạch: "Thời gian đầu khi chưa biết bắt đầu gây dựng từ đâu, Hội Nông dân thị trấn Bo đã tích cực đồng hành, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của những hội viên như tôi. Qua "cầu nối" ấy, tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, được đi học tập kinh nghiệm những mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Từ đó, tôi tìm được hướng đi phù hợp với mình, với điều kiện của gia đình để từng bước vươn lên làm giàu".
Cũng trong một lần đi thực tế, nghiên cứu kỹ thuật nuôi đà điểu ở Ba Vì (Hà Nội) và một số vùng lân cận. Ông Xiến đã quyết định nuôi thêm đà điểu, bởi ông nhận thấy rằng, đây là loài có tiềm năng lớn, phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình. Hơn nữa, nguồn giống trước khi mua đã được chọn kỹ, được tiêm phòng đầy đủ nên hầu như không bị bệnh, dịch.
Thức ăn của đà điểu cũng không quá cầu kỳ, chỉ cần rau và cám; mỗi năm gia đình có thể xuất chuồng khoảng 90kg thịt/con. Từ 19 con đà điểu ban đầu, sau hơn 3 năm, hiện gia đình ông nuôi 100 con đà điểu thương phẩm, khoảng 40 - 45kg/con. Thu nhập từ mô hình chăn nuôi đà điểu góp phần tăng thu nhập cho gia đình ông Xiến.
Từ việc chăn nuôi lợn, đà điểu và cửa hàng kinh doanh dịch vụ, gia đình ông Xiến đã có thu nhập khoảng 550 - 600 triệu đồng/năm, đồng thời, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức 5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, từ năm 2021, trang trại của gia đình ông Xiến được Hội Nông dân huyện đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định trên địa bàn, được giới thiệu cho nhiều hội viên khác học hỏi.
Ông Quách Chí Vũ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bo, huyện Kim Bôi cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Xiến còn gương mẫu trong các hoạt động của Hội Nông dân, tích cực tham gia các phong trào thi đua do khu, thị trấn phát động, đặc biệt là ủng hộ quỹ vì người nghèo. Ông cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm cho các hội viên nông dân địa phương.
"Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp cho cộng đồng, địa phương, nhiều năm liền gia đình ông Xiến được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện. Ghi nhận những thành tích trên, ông Xiến được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho hộ sản xuất kinh doanh giỏi giỏi giai đoạn 2022 - 2024", Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bo nhấn mạnh.