Lão nông thu hơn 27 tỷ đồng/năm từ cây sầu riêng

Lão nông thu hơn 27 tỷ đồng/năm từ cây sầu riêng

15:03 - 23/08/2024

KON TUM Sau hơn 30 năm cần mẫn bươn chải, đến năm nay, ông Quyền đã có hơn 24ha sầu riêng (14ha đã cho thu hoạch), doanh thu đạt hơn 27 tỷ đồng.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Ông Bùi Văn Quyển ở làng Tum, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) được xem là nông dân xuất sắc nhất tỉnh Kon Tum năm 2023 nhờ thu hoạch được giá trị khủng (trên 20 tỷ đồng) từ canh tác sầu riêng VietGAP. Không dừng lại ở đó, vụ sầu riêng năm 2024 này, ông Quyền tiếp tục nâng cao được giá trị thu hoạch lên hơn 27 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu đều đặn 250 - 300 triệu đồng mỗi năm từ 10ha cây cao su.

Ông Quyển trong vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Quyển trong vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Quyền kể, quê ông ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), bén duyên với nghề trồng sầu riêng là do năm 1988 ông nhập ngũ vào một đơn vị đóng chân trên địa bàn Tây Nguyên. Sau 2 năm hết nghĩa vụ quân sự, thấy nơi đây khí hậu mát mẻ trong lành, đất canh tác còn rộng, ông đã quyết định ở lại, sinh cơ lập nghiệp bằng nghề nông cùng bà con các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Những năm đầu mới xuất ngũ sống ở đây, ông Quyền phải kiếm kế sinh nhai bằng đủ mọi nghề, từ đi làm thuê cho các chủ rẫy, tới mua gom khoai mì (sắn) của các hộ để bán lại cho các doanh nghiệp chế biến.

Sau khi tích luỹ được một số vốn nhất định, ông Quyền đề nghị và được UBND huyện Sa Thầy cấp cho 5ha đất rừng sản xuất theo Chương trình 327 để trồng cây cao su. Để có tiền thuê lại quyền sử dụng đất cho mở rộng diện tích canh tác và đầu tư chăm sóc vườn cây ở thời kỳ chưa cho thu hoạch, ông Quyền đã phải làm thêm nghề đánh bắt cá trên hồ Yaly vào ban đêm.

Sau hơn 10 năm cần mẫn bươn chải, ông Quyền đã trở thành hộ có diện tích trồng cao su lớn nhất huyện Sa Thầy lúc bấy giờ với hơn 30ha cây bắt đầu cho mủ. Tuy nhiên, khi biết người dân các tỉnh trong khu vực trồng sầu riêng cho hiệu quả cao gấp bội so với thâm canh cây cao su, ông đã quyết định chặt bỏ gần 21ha cao su đang kỳ thu nhập ổn định để chuyển đổi sang sầu riêng, đó là vào năm 2016.

Vườn sầu riêng được ông Quyền đầu tư hệ thống tưới phun sương. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn sầu riêng được ông Quyền đầu tư hệ thống tưới phun sương. Ảnh: Hải Tiến.

Để trồng sầu riêng thành công, ông Quyền luôn chủ động tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên cây sầu riêng do ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum tổ chức và dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi các điển hình sản xuất sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Ông còn mời các cơ quan chuyên môn của địa phương đến lấy mẫu đất và nguồn nước tưới đem đi phân tích. Có kết quả đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Quyền mới xuống tiền chọn mua cây sầu riêng giống Dona về trồng.

Cùng với đó, ông Quyền còn lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động cho các vườn cây và mua sắm nhiều phương tiện cơ giới như xe ô tô tải, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và phân bón qua lá... nhằm tăng năng suất lao động, giảm thuê mượn nhân công và đáp ứng yêu cầu sản xuất kịp thời vụ.

 

Kết quả sản xuất năm 2021, vườn sầu riêng của ông Quyền dù mới cho thu hoạch 80 tấn quả bói đã thu được 2,5 tỷ đồng. Sản lượng quả này tăng dần vào các năm sau, tới vụ sầu riêng năm nay, trên diên tích 14ha (gần 2.500 cây) cho trái, ông Quyền thu được hơn 360 tấn quả, bán giá bình quân 76.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 27 tỉ đồng, trừ mọi chi phí sản xuất còn lãi ròng khoảng 17 tỷ đồng, chưa tính khoản lợi nhuận gần 300 triệu đồng từ thu hoạch 10ha cao su.

Ngoài ra, ông Quyền còn tạo việc làm cho 12 - 15 lao động thường xuyên với mức lương từ 9 - 14 triệu đồng/người/tháng cùng hàng chục lao động thời vụ. Cũng trong năm 2024 này, ông Quyền đã trồng thêm được 3,4ha (600 gốc) sầu riêng, nâng tổng diện tích các loại cây trồng lên 34,3ha, gồm 10ha cao su và 24,3ha sầu riêng. Vào cùng kỳ năm trước (2023), ông Quyền đã thu hoạch được trên 20 tỷ đồng từ các cây trồng trên.

Cắt tỉa cho vườn sầu riêng. Ảnh: Ngọc Hoà.

Cắt tỉa cho vườn sầu riêng. Ảnh: Ngọc Hoà.

Theo ông Quyền, điều kiện tự nhiên của Kon Tum không thuận lợi cho trồng sầu riêng bằng các tỉnh khác ở Tây Nguyên, nhưng chăm sóc kịp thời, đúng quy trình VietGAP, chất lượng quả sẽ tốt hơn nhiều so với cây sầu riêng trồng ở các tỉnh khác. Cụ thể như cơm (thịt quả) vàng đẹp hơn, nhiều bột hơn, độ ngọt (brix) và độ ngậy (béo) cũng cao hơn rất đáng kể. 

Cũng theo ông Quyền, trong thâm canh cây sầu riêng ở địa bàn Kon Tum, chú ý nhất phải chọn được các khu vườn gần nguồn nước tự nhiên như lòng hồ, ven suối hoặc gần các mó nước tự chảy từ các khe núi vì các giếng khoan lấy nước ngầm tưới cây ở đây hay bị mất nước vào mùa khô.

Nguồn nhân lực thuê mượn cho sản xuất cánh đồng lớn ở đây cũng là một khó khăn vì lao động chính trong khu vực đều được thu hút vào làm tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Để giữ người làm, ông Quyền ngoài trả lương cao như các doanh nghiệp còn bao ăn và ngủ nghỉ tại chỗ hàng ngày.

Về nước tưới, ông Quyền đã chọn thuê lại được các khu đất gần hồ thuỷ điện Yaly nên nguồn nước khá dồi dào, cho phép sản xuất sầu riêng bền vững, lâu dài.

Ông Vũ Ngọc Hoà, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và BVTV) Kon Tum cho biết, sản phẩm sầu riêng của ông Quyền đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho 20,96ha (năm 2022). Đồng thời được cấp phép xuất khẩu quả sầu riêng sang Trung Quốc.

"Một trái sầu riêng ngon xuất sắc phải có trọng lượng từ 2 - 5,5kg và quả phải còn tươi nguyên, không có vết sâu bệnh, không khuyết tật, trầy xước bầm dập, phải có gai đầy đủ và chân gai không bị nứt. Về chất lượng, thịt quả phải đảm bảo đúng màu sắc, hương vị đặc trưng của giống. Ngoài ra, mỗi quả còn phải có từ 4 ngăn múi trở lên" theo ông Quyền.