Lấy nền tảng sản xuất hữu cơ đánh thức tiềm năng đất cằn xứ Nghệ

Lấy nền tảng sản xuất hữu cơ đánh thức tiềm năng đất cằn xứ Nghệ

09:57 - 28/12/2024

NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.

Thuận Châu: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
Chính phủ ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Độ mặn ở ĐBSCL có xu hướng tăng
Ruồi lính đen - chìa khóa cho nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ nông nghiệp
Ruồi lính đen - chìa khóa cho nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ

Sinh năm 1982, da ngăm đen, người thấp đậm, dảng vẻ hơi thô ráp nhưng đừng để bề ngoài cục mịch đó đánh lừa bạn. Trên thực tế, gã trai tuổi đờingoài bốn mươi là người có tầm nhìn đáng học hỏi, khắp Nam chí Bắc những nơi gã đặt chân đến đều để lại sự khác biệt. Ngay tại chính mảnh đất Nghệ An cằn cỗi đầy nắng gió anh cũng cho ra hoa thơm trái ngọt chỉ sau 5 năm vun đắp.

Anh Nguyễn Văn Thành đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tại khu vực bãi trồng màu của huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Nguyễn Văn Thành đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tại khu vực bãi trồng màu của huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Việt Khánh.

Gã là Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Vinh (địa chỉ tại vùng Soi Bãi, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Nhắc đến nông nghiệp hữu cơ, anh Thành kể say sưa không biết chán, từ câu chuyện “ở rể” cho đến hành trình tạo bước đột phá ở dải đất bãi bồi ven sông Lam.

“Quan điểm của tôi là làm cho bản thân và lan tỏa cho cộng đồng, khi tất cả đều được hưởng lợi ắt sẽ hình thành mối liên kết bền chặt. Vợ tôi là người Nghệ An, để có điều kiện gần gũi gia đình, lại phát huy được thế mạnh vốn có, năm 2019 tôi đề xuất cơ quan có thẩm quyền giao đất nhằm tiến tới triển khai mô hình, 1 năm sau xắn tay vào làm trên quy mô 8,5ha.

Ban đầu tôi trồng sâm, sau một thời gian nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với các loại rau màu hàng hóa nên chủ động mở rộng hình thức, bố trí trồng cả dưa chuột, bí xanh. Mỗi loại một mảng không liên quan đến nhau nhưng điểm chung là cho giá trị kinh tế cao, từ đó thu hút nhiều hộ cùng tham gia liên kết”, anh Thành chia sẻ.

Giám đốc Hợp tác xã Thành Vinh là người có tầm nhìn xa. Ảnh: Việt Khánh.

Giám đốc Hợp tác xã Thành Vinh là người có tầm nhìn xa. Ảnh: Việt Khánh.

Đã và đang triển khai sản xuất song song tại địa bàn các tỉnh như Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Thanh Hóa…, với vốn liếng kinh nghiệm dạn dày, anh Thành thừa khả năng tạo dấu ấn nơi vùng đất mới. Hiệu quả kinh tế vượt trội từ đồng ruộng đã chiếm được lòng tin của đông đảo bà con, nhiều nông dân chân lấm tay bùn vốn đã quen với phương thức canh tác truyền thống nay thay đổi hoàn toàn nếp nghĩ khi bắt tay cộng tác với Hợp tác xã Thành Vinh.

Anh Thành trút bầu tâm sự: “Bà con vùng này trước đây chuyên trồng ngô nhưng vụ được vụ mất, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia liên kết, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tình hình đã có nhiều đổi khác. Hợp tác xã chỉ phát triển khi có được niềm tin của đối tác và bà con. Xuất phát từ ý nghĩ đó, chúng tôi chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm rạch ròi để tạo động lực cho bà con.  Riêng mặt hàng dưa chuột áp dụng giá thu mua tối thiểu 4.500 đồng/kg và linh động tăng theo diễn biến thị trường, có lúc tăng đến 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Nhà nông được hưởng lợi lớn khi tham gia liên kết với anh Thành. Ảnh: Việt Khánh.

Nhà nông được hưởng lợi lớn khi tham gia liên kết với anh Thành. Ảnh: Việt Khánh.

Ngay ở mức giá tối thiểu thôi nhà nông cũng thu về trên 50 triệu đồng/ha, nếu được giá, được mùa lãi ròng có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Trồng sâm Ngưu Bàng phục vụ nhu cầu thực dưỡng (ăn chay cao cấp, hoặc chế biến sâu làm trà túi lọc, canh dưỡng cho người bị ung thư) còn cho thu nhập khủng hơn nhiều, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật có thể thu về 15 – 20 tấn/ha, với giá bán 30.000 đồng/kg tổng doanh thu trên dưới 600 triệu đồng/ha, trừ chi phí đủ sức lãi phân nửa”. 

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thành Vinh khẳng định đã rót vào trang trại hơn 5 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng trang thiết bị tiên tiến (hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, làm giàn công nghệ…) theo đúng quy chuẩn hữu cơ.

Từ quy mô nhỏ ban đầu, Hợp tác xã đã tăng mạnh diện tích liên kết sản xuất qua từng năm, năm 2023 đạt gần 50ha, hiện tại đã tăng gấp 3 lần, rải khắp các huyện có thế mạnh trồng màu của Nghệ An như Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nam Đàn, Hưng Nguyên… 

Đích đến tiếp theo của Hợp tác xã là xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sâu để tiếp đà nhân rộng mô hình khắp toàn tỉnh Nghệ An.

Khai thác tối đa tiềm năng của đất là điều Hợp tác xã Thành Vinh đang làm rất tốt. Ảnh: Việt Khánh. 

Khai thác tối đa tiềm năng của đất là điều Hợp tác xã Thành Vinh đang làm rất tốt. Ảnh: Việt Khánh. 

“Hợp tác xã nông nghiệp Thành Vinh là đầu tàu của mối liên kết bền chặt nhờ cách làm bài bản, trên hết là biết cách nâng tầm các mặt hàng nông nghiệp truyền thống, thể hiện qua sản phẩm dưa chuột đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Quá trình sản xuất, đơn vị đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình, được đối tác và người tiêu dùng tin tưởng.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp, hỗ trợ Hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng giải pháp nuôi trùn quế để làm phân bón hữu cơ không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh”, ông Nguyễn Kim Hùng, Trưởng Phòng Chuyển giao Tiến bộ Khoa học kỹ thuật và công nghệ (Trung tâm Khuyến nông Nghệ An) đánh giá.