Loại lá cây này xưa dân nghèo ăn đỡ đói, nay làm cách này hóa rau đặc sản vạn người thèm
19:10 - 13/07/2024
Ở vùng trung du phía Bắc thường trồng nhiều sắn. Sắn (miền Nam gọi là khoai mỳ) là loại cây cho củ. Không những thế, cây sắn còn cho rau, nhưng bây giờ không mấy người ăn rau sắn - món quen thuộc một thời...
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Củ sắn cho tinh bột. Bột sắn phối trộn với các loại bột khác thành nhiều loại thực phẩm có giá trị. Ngoài ra, tinh bột sắn lên men làm ra đường nước (đường gluco), còn gọi là mạch nha để chế biến bánh kẹo. Không những thế, cây sắn còn cho rau, nhưng bây giờ không mấy người ăn rau sắn - món quen thuộc một thời...
Thu hoạch rau sắn (rau mỳ).
Khoảng những năm 1966 - 1967, chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Miền Bắc thực hiện chính sách “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... nên thiếu thốn nhiều.
Không biết từ ai và từ đâu mà rau sắn trở thành món ăn quen thuộc của người dân miền Bắc. Nhưng không phải lúc nào người dân cũng có thể hái rau sắn, mà phải được "lệnh" của hợp tác xã mới được thu hoạch. Nếu hái trước, cây có thể bị chột, ảnh hưởng đến củ sắn và năng suất thu hoạch.
Cây sắn được trồng từ tháng Mười hai âm lịch, đến khoảng tháng Bảy năm sau là có sắn non. Sang tháng Tám, cây đã đóng củ. Nhưng để cho thu hoạch chắc chắn phải từ tháng Chín trở đi.
Từ tháng Tám, cây sắn cho rau, là phần ngọn sắn. Cây nhiều sẽ cho ba ngọn, thông thường chỉ hai ngọn. Một luống sắn chẳng được là bao. Trước kia, người ta thường trồng sắn làm bờ rào. Nhưng rau sắn hái ở bờ rào không ngon do ngọn sắn có vị đắng, chát...
Rau sắn hái về thường được đem muối chua. Những nhà muối khéo, rau sắn vàng như dưa cải, nhìn đã thấy ngon mắt. Tuy vậy, rau sắn phải chế biến mới có thể ăn được. Sau khi muối chua, người ta đem dưa sắn luộc qua một nước rồi thái chừng một đốt ngón tay.
Lúc này, tùy vào khẩu vị và cách nấu của từng gia đình mà có một nồi canh ngon. Rau sắn có thế nấu với sườn lợn, cá, tép, thậm chí nấu không... Khi nấu, người ta cho vào một hai muôi tương để rau sắn mềm và ngon hơn.
Song, rau sắn nấu ngon nhất là với tép. Ở những vùng quê xứ Đoài xưa thường có những buổi chợ chiều họp vội vã nơi gốc bàng đầu xóm, có khi eo xèo chạng vạng ven đê... Chợ vắng người, chủ yếu phục vụ dân làng khi nhỡ buổi chợ chính. Những buổi chợ này thường có những ông thợ rủi.
Rủi như cái “hót rác” lớn, người đánh rủi đẩy dụng cụ này trên ruộng để tôm, cá, cua trôi vào. Người đánh rủi chủ yếu bắt cá nhỏ mà người xứ Đoài quen gọi là tép, không giống với địa phương khác thường gọi tép là những con tôm nhỏ (nên mới có câu ca rằng: “Hà Tây gọi tép là tôm...”).
Mớ tép này đem về nhặt sạch, múc tương vào kho xổi rồi đổ cả nồi tép kho tương vào nồi canh rau sắn xáo cho đến nục. Rau sắn xáo hai lửa ăn càng ngon.
Rau sắn luộc.
Canh rau sắn nấu cá.
Bữa cơm nhà nghèo, nhất là trong lúc đất nước có chiến tranh, sao mà ngon thế. Những đứa trẻ ngồi quanh mâm cơm bốc khói, xì xụp chan, múc.
Những bữa ăn làm ta nhớ mãi không quên. Ấy thế mà xảy ra chuyện. Số là thế này: Cạnh nhà tôi có một gia đình rất nghèo, trong năm tháng ấy đứt bữa là chuyện bình thường.
Hôm ấy cũng như những ngày khác, đến bữa mà không có gì cho vào nồi. Tìm mãi mới thấy vại dưa sắn vừa muối chiều hôm trước, dưa sắn còn xanh...
Cực chẳng đã, người chồng lấy ra luộc bỏ một nước rồi cho vào nồi nấu như mọi khi.
Nấu xong, người chồng múc ra cho con ăn. Gần trưa, người vợ đi làm về, người chồng bưng cơm cho vợ ăn, người vợ cũng như con của bà ăn rau sắn là chính.
Chiều, người vợ đi làm, hai người con ở nhà chẳng hiếu sao cứ ngủ li bì, gọi thế nào cũng không dậy.
Cũng may, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Bệnh viện Sơn Tây sơ tán lên Đường Lâm, hai người con được chuyển ngay đến bệnh viện. Thì ra cả hai cùng bị say sắn (ngộ độc rau sắn). Nhờ được cứu chữa kịp thời nên hai đứa con qua cơn nguy kịch.
Nghe nói buổi tối hôm ấy, người vợ thấy khó chịu trong người, biết là bị ngộ độc sắn, bà lần ra bờ thềm tìm cái giỏ đựng cua, may còn một con.
Bà đem giã nhỏ, gạn lấy nước uống... Uống xong, bà nôn ra “mật xanh, mật vàng”, sáng hôm sau thì tỉnh hẳn.
Thế đấy, rau sắn rất lành nhưng phải muối kỹ (chua), nếu không sẽ gây ngộ độc. Nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Cách chữa rất đơn giản, người có triệu chứng say sắn cần tìm cách để nôn hết ra là được.
Ngày nay, quê tôi không còn trồng sắn nữa nên không mấy người ăn loại rau này. Chẳng biết có phải do không còn những bác thợ rủi nữa hay không mà chợ chiều cũng không thấy bán những mớ tép một thời làm nên nồi canh rau sắn ngon lành...