Loài nhuyễn thể này không ngờ là đặc sản dân phố thích mê, 120.000 đồng/kg
08:53 - 28/06/2024
Loài nhuyễn thể này có hình dáng tương tự con nghêu, con sò nhưng kích thước lớn hơn, là đặc sản nổi tiếng ở Cà Mau.
Trồng cây gây rừng, giữ màu xanh cho vùng biên giới Sông Mã
Giá tiêu dàn đều ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, trụ vững ở mức cao mới
Đánh giá hiệu quả CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở một xã của Lào Cai
Phân bón Sông Lam Tây Bắc: Giúp nông dân có một mùa bội thu
Đến với Cà Mau, ngoài cua, ba khía, ốc len, cá thòi lòi... thì vọp là một đặc sản mà bạn nhất định phải nếm thử.
Con vọp là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh, hình dạng giống con nghêu, con sò nhưng to hơn gấp 3 lần. Chúng sống ở các bãi bồi, cửa biển, rừng ngập mặn của một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tại huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn thuộc tỉnh Cà Mau, vọp sinh sống rất nhiều, thịt dai và ngọt hơn các nơi khác.
Người dân ở huyện Ngọc Hiển cho biết vọp thường sinh sống tụ lại thành từng đàn lên đến cả trăm con, thân vùi dưới cát và nhô lên một phần nhỏ để hít thở. Thịt vọp săn chắc, vị ngọt, đậm đà, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao với nhiều chất có lợi cho sức khỏe.
Về cách chế biến, vọp có thể làm thành rất nhiều món ngon. Đơn giản và nhanh nhất là luộc vọp chấm nước mắm chua ngọt, nếu cầu kỳ thêm một tý thì nên luộc vọp với gừng, ăn sẽ đậm đà hơn.
Chọn những con vọp to đều nhau, đem cạo và rửa sạch lớp rong rêu bám ngoài vỏ. Nấu một ít nước, cho vào vài lát gừng giã giập, chờ nước sôi, thả vọp vào luộc, để vài phút thấy vọp há miệng ra tức là vọp đã chín, lúc đó phải nhấc xuống ngay bởi nếu luộc lâu thịt vọp sẽ teo lại, ăn mất ngon.
Vừa gỡ thịt từng con vọp nóng hổi chấm với nước mắm chua ngọt, mắm cay hoặc muối tiêu chanh (tùy theo sở thích của mỗi người) vừa nhấm nháp vài ly bia lạnh thì còn gì tuyệt vời bằng. Thịt vọp dai dai, ngọt ngọt hòa quyện với vị chua cay của nước chấm, hơi gừng nồng nàn đã tạo thành một món ăn khoái khẩu.
Trong lúc luộc vọp nếu nêm vào một ít bột ngọt nhằm giảm độ mặn của nước luộc, rồi dùng nước này chan ăn cùng với cơm hay húp như một món canh cũng rất ngon miệng. Ngoài món vọp luộc gừng, vọp nướng mỡ hành cũng được rất nhiều người yêu thích.
Khi than hồng, đặt những con vọp lên vỉ nướng. Mùi thơm ngay lập tức lan tỏa khắp không gian. Khi đó hãy rưới lên thớ thịt vọp một muỗng mỡ hành đã phi sẵn, khi thấy mỡ hành sôi tức là khi đó thịt vọp cũng đã chín. Không nên nướng quá kỹ sẽ làm mất đi độ mọng nước của nguyên liệu.
Trước đây, vọp có nhiều vô kể, chúng thường tụ lại từng bãi, từng đám. Ngày ấy, người dân nơi đây chỉ chọn bắt một số con vọp kích thước lớn nhất để về chế biến món ăn chứ không ai mang ra mua bán ở chợ. Những năm gần đây, loài này thành đặc sản nổi tiếng mà ai cũng tìm để thưởng thức mỗi khi tới Cà Mau. Vì mang lại giá trị kinh tế nên nhiều người đi "săn" con vọp ở rừng ngập mặn, hoặc thả nuôi trong ao cùng với tôm sú, cua biển để bán ra thị trường. Trên thị trường, vọp được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg (size 12-15 con).
Gia đình ông Thiệu (ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) thả nuôi vọp trong ao cùng với tôm sú, cua biển. Ông Thiệu cho biết, vọp là loài có sức đề kháng tốt, phù hợp với đồng đất của địa phương, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ vọp ngày càng cao, nhiều khi không đủ cung cấp cho khách đặt hàng.
"Vọp chủ yếu ăn nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như mùn bã, vi sinh vật, tảo đáy… nên không cần phải bổ sung thức ăn như những loài khác. Vọp sau 6 tháng thả nuôi sẽ cho thu hoạch. Thời điểm thích hợp để thả vọp bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, nếu yếu tố môi trường thuận lợi thì tỉ lệ sống cao, ít hao hụt và tốc độ sinh trưởng của vọp rất nhanh", ông Thiệu chia sẻ.