Loài vật nghe tên “dữ dằn” không ngờ là đặc sản 160.000 đồng/kg
22:07 - 04/05/2024
Người dân ở nhiều địa phương có câu: "Không ăn lư, hư một đời" để nói về một loài đặc sản nổi tiếng ở Thanh Hóa, đó là con lư.
Xuất khẩu thủy sản đang tiến tới đích 10 tỷ USD
Huyện biên giới ở Lai Châu gặt “trái ngọt” nhờ xây dựng nông thôn mới
Giá cà phê tăng phiên thứ tư liên tiếp, xác lập kỷ lục mới tại Đắk Nông
FTA Việt Nam - Mercosur khởi động đàm phán: Kỳ vọng cho XK cá tra sang Brazil
Con lư còn có tên gọi khác là con bà chằn, con xù xì. Đây là một loài nhuyễn thể không có vỏ cứng bọc ở ngoài. Về hình dáng bên ngoài, con lư trông giống như một con rùa nhỏ, phần dưới có màu vàng còn phần trên màu nâu đất, lớp da xù xì, thường tiết ra chất nhờn bao quanh cơ thể. Về kích thước, con bà chằn có con nhỏ bằng ngón chân cái, có con to bằng quả trứng vịt.
Tại các vùng Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn ở tỉnh Thanh Hóa nơi nào có sông nước lợ đi qua đều có bà chằn. Bà chằn thường sống ở ngòi nước, bãi cỏ năn, cỏ lác, bãi bùn mép sông.
Ở các vùng như Thuần Lộc, Văn Lộc (Hậu Lộc), Nga Thái, Nga Điền, Nga An (Nga Sơn), Quảng Nham, Quảng Thạch (Quảng Xương) cạnh ngòi nước ngoài bãi sông đều có bà chằn. Nhưng bà chằn nhiều và ngon là bà chằn ở bãi Bút sông Đằng. Đây là vùng bãi lớn giàu phù sa, nơi gặp gỡ giữa nước lợ và nước mặn trước khi biển đổ ra cửa Lạch Trường.
Thân bà chằn có màu đất hệt đất vùng bãi sông. Ban ngày bà chằn giấu mình dưới cỏ, núp vào bãi lác, bãi năn, bãi cói, bãi sú, trong kẽ đất, vết chân trâu bò, chân người, ban đêm khi triều xuống, bà chằn mới bò đi ăn, buổi trời động mưa hay mới mưa xong, bà chằn bò ra đi ăn càng nhiều.
"Nói đến con bà chằn, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy xa lạ nhưng với người dân quê tôi, loài nhuyễn thể này gắn với tuổi thơ và những bữa cơm dân dã từ thời còn nghèo khó. Thời điểm thích hợp nhất để "săn" bà chằn là chiều tối, đặc biệt những hôm trời động mưa, hay sau cơn mưa, chúng thi nhau bò ra ngoài để kiếm thức ăn nên dễ khai thác. Còn ban ngày chúng núp vào bùn đất... để không bị phát hiện", một người dân sống ở Nga Sơn, Thanh Hóa cho biết.
Sau khi bắt về, con bà chằn có thể sống được trong vòng 2 tuần. Công đoạn làm sạch con bà chằn cũng khá kỳ công và mất nhiều thời gian bởi chúng vùi sâu dưới lớp bùn lầy. Hơn nữa, chúng tiết ra một lớp chất nhờn để bảo vệ cơ thể nên đầu tiên phải cho lư vào rổ cùng cát và tro bếp, vôi tôi, chà xát cho hết nhớt đến khi nào thân con lư còn lại như màu mỡ gà mới đem rửa qua nước muối, sau đó làm sạch ruột rồi mới mang đi chế biến.
Người dân Thanh Hóa chế biến con lư thành nhiều món đặc sản như hấp chấm mắm gừng, xào chua ngọt, xào sả ớt...
Lư tươi thì hấp chấm mắm là thơm ngon và béo ngậy nhất. Còn lư đã bảo quản tủ đá thì chủ yếu làm các món xào. Giờ đây, nhiều nhà hàng ở Thanh Hóa đưa các món từ con lư vào thực đơn, được nhiều khách du lịch ưa chuộng vì vừa lạ vừa hấp dẫn.