Loạt 'ông lớn' Vĩnh Hoàn, Nam Việt đón 'sóng' lớn khi Mỹ không áp thuế chống bán phá giá và tăng mua cá tra
08:29 - 08/10/2024
Với việc được Mỹ xác nhận không có hành vi bán phá giá, Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), Nam Việt (HoSE: ANV) sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào. Điều này tạo cơ hội lớn cho các "ông lớn" xuất khẩu cá tra này tăng tốc doanh thu và lợi nhuận cuối năm...
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh...
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tiến hành điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn xem xét từ ngày 01/8/2022 tới ngày 31/7/2023 (POR20).
DOC xác định kết quả sơ bộ là trong POR20 này, nhiều nhà xuất khẩu phi lê cá tra từ Việt Nam không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, họ sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào.
Có 8 công ty xuất khẩu cá tra đủ điều kiện hưởng mức thuế riêng hoặc không phải chịu thuế chống bán phá giá bao gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp), Công ty TNHH Biển Đông (Bien Dong Seafood); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH Một Thành Viên Thủy Sản Đông Á (DONG A SEAFOOD); Công ty Hùng Cá 6; Công ty CP Nam Việt (NAVICO) và Công ty Cổ phần Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS).
Điều đáng mừng, kết quả này đến đúng vào thời điểm xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang trên đà tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 8/2024 đạt 191 triệu USD tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế 8 tháng đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Riêng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8/2024 đạt hơn 35 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ, cao thứ 2 trong năm chỉ sau tháng 4/2024 với hơn 37 triệu USD; và lũy kế 8 tháng đạt 226 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự hồi phục của thị trường Mỹ được cho là đòn bẩy cho sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc không mấy lạc quan.
Tháng 8/2024, doanh thu của Vĩnh Hoàn đã đạt 1.172 tỷ đồng, tăng tới 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Vĩnh Hoàn sang Mỹ tăng tới 51% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 424 tỷ đồng, là thị trường có doanh thu lớn nhất của Vĩnh Hoàn trong tháng 8/2024.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Vĩnh Hoàn thu về 8.355 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất với mức cơ bản là 10.700 tỷ đồng (tăng 6,6% so với thực hiện năm 2023), mức cao là 11.500 tỷ đồng (tăng 14%). Lãi ròng hợp nhất với kế hoạch cơ bản là 800 tỷ đồng (giảm 12,9% so với năm 2023), mức cao đạt 1.000 tỷ đồng (tăng 8,8%).
Còn về tình hình tài chính của Nam Việt, quý II/2024, Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.193 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Nam Việt báo lãi 17,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 51 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 2.209 tỷ đồng, giảm nhẹ so với nửa đầu năm 2023. Kết quả, doanh nghiệp thủy sản này báo lãi 34 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, Thủy sản Nam Việt đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng. Kết thúc 2 quý đầu năm, Thủy sản Nam Việt đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 11% chỉ tiêu lợi nhuận.
Triển vọng sáng của Vĩnh Hoàn, Nam Việt
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Agromonitor, giá bán bình quân cá tra phi lê xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã đạt 3,2 USD/kg trong tháng 7-8/2024, tương ứng tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu ngành cho thấy mặc dù giá bán bình quân hiện tại vẫn còn xa so với mức đỉnh trong năm 2022 là 5,0 USD/kg, sản lượng tiêu thụ bình quân theo tháng của Thủy sản Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ hiện chỉ còn thấp hơn 10% so với hồi "đỉnh" năm 2022.
Như đã phân tích, Thủy sản Vĩnh Hoàn vẫn đang có xu hướng duy trì mức giá bán thấp để đẩy mạnh sản lượng. Biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn được kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong các tháng tới đây nhờ giá bán hồi phục, giá thức ăn chăn nuôi cùng với giá cá nguyên liệu neo ở mức thấp.
SSI Research mới đây đã dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Thủy sản Vĩnh Hoàn trong năm nay sẽ lần lượt tăng 13% và 29% so với năm 2023.
Còn Thuỷ sản Nam Việt vẫn đặt mục tiêu lãi ròng tăng gấp 8 lần năm nay, kỳ vọng giá cá tra tăng. Trong kế hoạch trình ĐHĐCĐ, Nam Việt thiết lập mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng năm nay, tăng 13% so với năm 2023 và lãi sau thuế 306 tỷ đồng, gấp 8 lần (tăng 685% so với thực hiện năm 2023).
Cho đến nay, nhiều tổ chức tài chính vẫn đánh giá triển vọng kinh doanh năm nay của Thủy sản Nam Việt sẽ tích cực hơn khi giá xuất khẩu cá tra dự kiến phục hồi trong bối cảnh nhu cầu của Mỹ và nhiều thị trường khác tăng và nguồn cung giảm.
Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ dần hồi phục khi lạm phát hạ nhiệt, chi tiêu của người dân tăng trở lại, nhất là những tháng cuối năm. Mảng tiêu thụ cá tra của Nam Việt sẽ tốt hơn. Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tăng nhờ nhu cầu hồi phục, trong khi nguồn cung thu hẹp.
Theo báo cáo mới công bố của hãng chứng khoán Vietcombank Securities (VCBS), tổ chức này cũng kỳ vọng doanh thu thuần của ANV năm 2024 đạt 4.999 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế đạt 220 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với thực hiện năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc từ quý IV/2024, qua đó giúp tăng giá cá tra xuất khẩu thêm ít nhất 10% so với giá hiện tại.
Đối với Thủy sản Nam Việt, hoạt động kinh doanh của công ty rõ ràng là sẽ được hưởng lợi từ thị trường Mỹ khi tiếp tục được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0% và giá bán tại Mỹ có thể hồi phục trở lại. Chưa kể, Thủy sản Nam Việt cũng đang đẩy mạnh tệp khách hàng tại Trung Quốc, nhằm gia tăng doanh số tại thị trường này.
Ban lãnh đạo Thủy sản Nam Việt cho biết, hiện công ty đang là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra có chuỗi sản xuất khép kín lớn thứ 2 thế giới, gồm 250 ha vùng nuôi truyền thống, giúp cung cấp đến 120.000 tấn cá nguyên liệu/năm, và 600 ha vùng nuôi công nghệ cao được đầu tư từ năm 2018, giúp cung cấp đến 250.000 tấn cá nguyên liệu/năm.
Thủy sản Nam Việt đang sở hữu 20.000 cặp cá bố mẹ có khả năng sản xuất 14 tỷ con cá giống. Với nhà máy thức ăn có công suất thiết kế 800.000 tấn/năm, Thủy sản Nam Việt có khả năng cung cấp 100% thức ăn cho vùng nuôi cá giống có diện tích 150 ha của công ty.
Nam Việt cũng đang vận hành 04 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất chế biến lên đến 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày và đạt đầy đủ các chứng nhận chất lượng ISO, Global GAP, HACCP, IFS, BRC, GMP và HALAL.
Điều kỳ vọng là xuất khẩu cá tra vào Mỹ tiếp tục phục hồi vào các tháng cuối năm nay, góp phần gia tăng đơn hàng. Người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam.
Các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo quy định, sau 120 ngày công bố kết quả sơ bộ, DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế POR20. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, kết quả cuối cùng có sự thay đổi so với đánh giá sơ bộ.
Dù sao, kết quả sơ bộ POR20 có thể được xem là tin vui nhất của ngành cá tra Việt Nam sau 20 năm bị vướng vào vụ kiện bán phá giá tại Mỹ.