Lúa mùa phân thành nhiều trà, diễn biến sâu bệnh hại sẽ phức tạp
20:55 - 24/09/2024
Theo ông Nguyễn Quý Dương, lúa mùa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng phân thành nhiều trà, diễn biến sâu bệnh hại dự báo sẽ có những thay đổi so với các vụ trước.
Hỗ trợ hội viên nông dân nguồn vốn phát triển kinh tế
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn
Tạo nền tảng phát triển ngành chăn nuôi bền vững
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2024 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Cảnh giác với lùn sọc đen
Tại Thái Bình, toàn tỉnh gieo cấy hơn 74.300ha lúa vụ mùa. Trong đó hơn 1.000ha phải gieo cấy lại do ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 14 - 19/7, tập trung chủ yếu ở huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư.
Hiện lúa vụ mùa sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, những diện tích cấy sớm (trước 10/7) tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao, đang trong giai đoạn làm đòng, một bộ phận chuẩn bị trỗ bông. Các diện tích cấy sau 10/7 và bị ảnh hưởng ngập úng hiện đang giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng.
Về tình hình sâu bệnh hại, sâu đục thân 2 chấm diễn biến khá phức tạp, mật độ cao hơn trung bình nhiều năm, phát sinh sớm, gây hại trên diện rộng và tạo thành nhiều cao điểm gây hại trong tháng 8. Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm lứa 5 vũ hoá từ đầu đến cuối tháng 9, sâu non gây bông bạc cho trà lúa trỗ từ cuối tuần 1 tháng 9 trở đi, đặc biệt gây hại nặng trên diện tích lúa trỗ bông sau ngày 15/9 của các huyện phía bắc và sau ngày 20/9 của các huyện phía nam tỉnh. Dự báo tỷ lệ bông bạc từ 1 - 3%, cao 10 - 20%, cá biệt 50 - 60%.
Sâu cuốn lá nhỏ có mật độ thấp hơn so vụ mùa 2023. Lứa 5 trưởng thành ra rộ từ ngày 12 - 19/8, sâu non nở rộ từ ngày 19 - 26/8. Dự báo, mật độ sâu non trung bình 40 - 60 con/m2, nơi cao 100 - 150 con/m2, cục bộ 200 - 300 con/m2. Nếu không phòng trừ tốt sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây trắng lá đòng và lá công năng trên diện tích lúa mùa.
Ngoài ra, đầu tháng 9 có một đợt sâu cuốn lá nhỏ nở và gây hại cho diện tích lúa trỗ bông sau ngày 15/9 trở đi (tập trung chủ yếu ở các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Nam Thái Thụy...). Lứa 6 dự báo trưởng thành ra rộ ở tuần 2 tháng 9, sâu non nở từ 20/9 trở đi và gây hại cho diện tích lúa trỗ bông muộn ở cuối tháng 9.
Rầy các loại dự báo từ nay đến cuối vụ còn phát sinh 2 lứa, mật độ rầy cao, diện phân bố rộng trên đồng ruộng. Lứa 6 rầy cám rộ từ 20/8 đến đầu tháng 9, lứa rầy này dự báo mật độ cao đến hàng ngàn con/m2, gây cháy trà lúa trỗ bông sớm trong tháng 8 đầu tháng 9 và có khả năng lan truyền virus gây bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa trà muộn ở các huyện phía nam của tỉnh.
Lứa 7 rầy cám rộ từ 20/9 đến đầu tháng 10, gây hại diện rộng trên giống nhiễm. Trà lúa mùa đại trà, mùa muộn mật độ dự báo trên giống nhiễm từ 800 - 1.500 con/m2, cao 5.000 - 7.000 con/m2, ổ >10.000 con/m2 gây cháy lúa từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 nếu không phòng trừ kịp thời.
Đối với bệnh lùn sọc đen, qua các kỳ lấy mẫu rầy lưng trắng để giám định virus gây bệnh cho kết quả có 5/316 mẫu dương tính với virus lùn sọc đen. Đây là nguồn bệnh có nguy cơ lan truyền virus gây bệnh cho trà lúa mùa muộn đang giai đoạn đẻ nhánh.
Tại Hà Nam, Chi cục Trồng trọt - BVTV và Kiểm lâm đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố lấy mẫu lần 2 đi giám định nguồn rầy mang bệnh virus lùn sọc đen. Kết quả có 2/19 mẫu rầy dương tính với bệnh. Hiện tại, Chi cục đang chỉ đạo khoanh vùng, phun phòng trừ nguồn rầy mang bệnh tại khu vực có mẫu rầy dương tính với bệnh.
Dự báo sâu bệnh hại lúa mùa cao hơn năm trước
Tại Ninh Bình, theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lửa 7 sẽ ra rộ từ 17 - 27/9, sâu non nở rộ từ 23/9 - 1/10, gây hại trên trà lúa mùa trung cấy.
Rầy cám lứa 7 sẽ nở rộ từ 17 - 27/9, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn ôm đòng đến chắc xanh, trà mùa muộn đang giai đoạn đòng đến ôm đòng. Mật độ phổ biến 400 - 500 con/m2, nơi cao 700 - 1.000 con/m2, ổ trên 2.000 con/m2. Nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, rầy có khả năng gây cháy ở ở giai đoạn chắc xanh đến chín.
Đối với sâu đục thân 2 chấm, thời gian tới, trưởng thành lứa 5 tiếp tục ra rộ đến 10/9, sâu non nở rộ từ 25/8 - 17/9, gây hại trên các trà lúa trỗ từ ngày 5/9 - 3/10. Tỷ lệ hại nơi cao 5 - 7%, cá biệt 8 - 10%, gây đòng héo, bông bạc.
Trưởng thành sâu đục thâm 2 chấm lứa 6 sẽ ra rộ từ 23/9 - 15/10, sâu non nở rộ từ 30/9 - 22/10, gây hại trên trà lúa mùa muộn. Tỷ lệ hại nơi cao 3 - 5%, cá biệt 7 - 10%. Quy mô, mức độ hại của sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm dự báo cao hơn so với vụ mùa 2023.
Không chủ quan, lơ là
Sau khi kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của các trà lúa và sâu, bệnh hại, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá, đến hiện tại, nhìn chung các trà lúa sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, tình hình sâu bệnh gây hại chưa tới mức căng thẳng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của các đợt mưa kéo dài trong tháng 7, đầu tháng 8 nên nhiều diện tích lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị ngập úng, phải gieo cấy lại. Điều này khiến lúa mùa phân thành rất nhiều trà khác nhau, việc chăm sóc và diễn biến sâu bệnh hại dự báo sẽ có những thay đổi, khác biệt so với các vụ trước.
Do đó, các địa phương không được chủ quan, lơ là, trên cơ sở những hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV, phải liên tục cắt cử cán bộ bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của từng trà lúa, sự phát sinh gây hại của các đối tượng như sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân 2 chấm, bạc lá, khô vằn, lùn sọc đen… để đưa ra các chỉ đạo sản xuất kịp thời, chính xác.
Các trà lúa gieo cấy muộn, dự báo trỗ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nếu gặp không khí lạnh sớm rất dễ có hiện tượng bạc bông, lép, đồng thời nguy cơ gia tăng mật độ sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ lứa cuối.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích gieo cấy lại và chuẩn bị đón đòng người dân có tâm lý nóng vội, tăng lượng phân bón, nhất là bón đạm cho lúa. Cần khuyến cáo người dân phải hết sức lưu ý, những diện tích đã xanh tốt không nên tăng lượng bón để tránh hiện tượng thừa đạm, vừa làm tăng chi phí sản xuất vừa tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển gây hại.