Lục bình vây kín trên sông Vàm Cỏ Đông, nỗi ám ảnh của người dân Tây Ninh

Lục bình vây kín trên sông Vàm Cỏ Đông, nỗi ám ảnh của người dân Tây Ninh

22:03 - 05/08/2024

Nhiều năm qua ngành chức năng tỉnh Tây Ninh vẫn liên tục nỗ lực giải quyết nạn lục bình dày đặc trên sông, nhưng tình trạng lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông cứ "tái đi tái lại".

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Ghe thuyền đánh vật với lục bình mỗi lần muốn sang sông

Từ đầu mùa khô 2024 đến nay, nhiều thời điểm lục bình xuất hiện dày đặc trên một số đoạn sông Vàm Cỏ Đông, theo Cảng vụ đường thủy nội địa Tây Ninh.

 

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, lục bình phát triển mạnh trên sông Vàm Cỏ Đông. Ngành chức năng tỉnh Tây Ninh đã nỗ lực huy động từ sức dân đến phương tiện cơ giới thu vớt lục bình, nhưng tình trạng lục bình giăng kín trên nhiều đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua các huyện Châu Thành, Gò Dầu, TX.Hòa Thành cứ tái diễn.

Mỗi mùa khô hàng năm, người dân Tây Ninh lại khổ sở với nạn lục bình vây kín trên dòng Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mỗi mùa khô hàng năm, người dân Tây Ninh lại khổ sở với nạn lục bình vây kín trên dòng Vàm Cỏ Đông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Ngô Tùng Minh - Trưởng ấp Trường Ân (xã Trường Đông, TX.Hoà Thành) kể, nhiều hộ dân có ruộng bên kia sông. Đến thời điểm cần chăm sóc, bón phân, nhiều người đành bất lực đứng nhìn vì lục bình dày đặc.

Tình trạng lục bình trên sông dày đặc gây khó khăn cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hoá, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân.

Đây cũng là vấn đề mà người dân trước đây đã có ý kiến nhiều lần và ngành chức năng cũng đã có nhiều giải pháp nhưng tình trạng vẫn tái diễn.

Ông Nguyễn Văn Căn, người dân xã Trí Bình (huyện Châu Thành) kể, có thời điểm lục bình phủ kín mặt sông đúng ngay mùa thu hoạch lúa. Cách nhau đôi bờ sông mà nhiều người không thể qua sông gặt lúa. Nhiều người điều khiển ghe, vỏ lãi phải vất vả "đánh vật" với đám lục bình mới qua được bờ bên kia.

Theo ông Căn, một trong những nguyên nhân là do một số người dân cắm cọc chà nuôi cá trên sông.

Những người này đã giữ lại một lượng lớn lục bình để dẫn dụ và nuôi cá. Đến mùa khô, khi thu hoạch cá, những hộ này đã thả hết lục bình ra sông làm gia tăng đột biến lượng lục bình trên sông.

Người dân bất lực không thể đi ghe thuyền sang bên kia sông chăm sóc ruộng vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người dân bất lực không thể đi ghe thuyền sang bên kia sông chăm sóc ruộng vườn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trên dòng sông có nhiều điểm cua. Trong mùa khô, mực nước xuống thấp, dòng chảy chậm. Lục bình dồn lại, ứ đọng cục bộ đã ảnh hưởng đến bà con đi ghe xuồng qua lại 2 bên bờ sông để canh tác.

Tăng cường thiết bị trục vớt lục bình

Ông Đặng Hoàng Chương – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tây Ninh thừa nhận, công tác trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông và trên các kênh, rạch là đặc thù ở tỉnh.

Tây Ninh rất quan tâm, nỗ lực đảm bảo cho phương tiện vận tải thuỷ nội địa lưu thông và đã thực hiện công tác này 15 năm qua.

Từ khi thực hiện đến nay, đã có nhiều nhà thầu tham gia và nhiều phương án xử lý lục bình được đưa ra như: giăng dây thừng một đoạn trên sông để dồn lục bình lại, dùng xà lan chở phương tiện cạp di chuyển trên sông để vớt lục bình và đưa lên bờ; sử dụng thiết bị tự vận hành trên sông tự động vớt, xay nhỏ và chuyển lên bờ; tháo chà không để lục bình tập trung…

Việc nuôi giữ lục bình là nhằm dẫn dụ cá vào chà. Ảnh: Đại Dương

Việc nuôi giữ lục bình là nhằm dẫn dụ cá vào chà. Ảnh: Đại Dương

Trong số này, phương án đang thực hiện (theo Quyết định số 1957 năm 2022 của UBND tỉnh phê duyệt) là hiệu quả. Cụ thể là sử dụng 6 phương tiện (3 máy băm, 3 máy vớt tự hành) di chuyển trên sông để trục vớt lục bình.

Quy trình vận hành sẽ xử lý tự động từ khâu vớt, băm và chuyển lên bờ để đảm bảo môi trường. Đồng thời, thiết bị tự vận hành trên sông sẽ di chuyển kịp thời để xử lý các điểm ùn ứ lục bình cục bộ trên từng đoạn sông theo từng thời điểm.

Phương án này hiện do Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (đơn vị trúng thầu thi công) thực hiện theo hợp đồng 36 tháng, kể từ ngày 1/12/2022.

Tuy nhiên, theo ông Chương, sông Vàm Cỏ Đông có chiều dài khoảng 105km và nhiều đoạn cua cong. Đồng thời, mùa khô năm 2023-2024 có thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trên sông thấp, dòng chảy chậm nên lục bình phát triển nhanh hơn mọi năm.

Thời gian qua, ngành chức năng đã rất nỗ lực xử lý như tháo dỡ cọc chà 2 bên bờ sông, vận động người dân không cắm cọc chà khoanh nuôi cá 2 bên bờ sông, tổ chức trục vớt xử lý lục bình trên sông ở những đoạn lục bình có mật độ dày.

Phương tiện cơ giới tham gia trục vớt lục bình trên sông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phương tiện cơ giới tham gia trục vớt lục bình trên sông. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Huỳnh Long Định - Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công, công ty đang đầu tư thêm một số thiết bị tăng cường trục vớt tại những đoạn sông có mật độ lục bình nhiều.

Vấn đề tháo dỡ chà cá cắm 2 bên bờ sông không đơn giản vì liên quan đến mưu sinh của người dân. Tuy nhiên, ông Định cũng mong người dân khi dỡ chà cá phải vớt lục bình trong chà đưa lên bờ, không đẩy ra sông như thời gian vừa qua. Việc này sẽ góp phần hạn chế tình trạng lục bình bao phủ trên sông Vàm Cỏ Đông.

Để thực hiện hiệu quả công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, vừa qua Sở Giao thông vận tải Tây Ninh đã thống nhất với Công ty Thành Thành Công đầu tư thêm phương tiện, thiết bị so với phương án được duyệt nhằm chủ động trục vớt lục bình trong mùa khô.

Đồng thời, công ty tăng thời gian thi công trục vớt lục bình trong những tháng cao điểm vào mùa khô, lúc mực nước thấp nhất (từ 10 - 12 tiếng/ngày); đảm bảo các phương tiện lưu thông thuận lợi và đảm bảo an toàn giao thông thủy.

"Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương vận động người dân không cắm cọc, chà dọc 2 bên bờ sông và trên các kênh, rạch để nuôi cá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công trục vớt lục bình đạt hiệu quả", ông Đặng Hoàng Chương cho biết.