Mãng cầu xuất ngoại nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ

Mãng cầu xuất ngoại nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ

08:25 - 22/11/2024

TÂY NINH Nhờ chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, quả mãng cầu của HTX Minh Trung đã xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.

Tan nát các ruộng trồng dưa hấu ở Gia Lai, nông dân khóc không nổi nhìn cảnh thất thu
Một người có uy tín ở Bình Phước là nông dân triệu phú, trồng điều năm nào cũng trúng
Một huyện của tỉnh Thái Bình, hàng nghìn tấn hạt rau, hạt ngô, khoai tây đã gieo xuống cánh đồng, chờ vụ đông thắng lợi
Chương trình Mục tiêu quốc gia - "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa
Loại quả ngon hái từ "cây tiền tỷ" ở Tiền Giang đang tăng giá tốt, cứ 1ha nông dân lời vài tỷ đồng là chắc
Vườn mãng cầu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học của HTX Minh Trung. Ảnh: Trần Phi.

Vườn mãng cầu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học của HTX Minh Trung. Ảnh: Trần Phi.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (HTX Minh Trung) ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có tuổi đời còn khá non trẻ khi mới thành lập được 2 năm nay.

Tuy thành lập chưa lâu nhưng HTX Minh Trung đã nhanh chóng tạo lập được chỗ đứng trên thị trường mãng cầu (na) trong nước nhờ tổ chức sản xuất mãng cầu theo các tiêu chuẩn an toàn, hướng hữu cơ.

Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX Minh Trung chia sẻ, trong 2 năm qua, HTX đã liên kết với 127 thành viên với diện tích sản xuất mãng cầu hơn 600ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 5.400 tấn/năm. Toàn bộ diện tích mãng cầu của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, được bao trái để cách ly thuốc bảo vệ thực vật và ngăn ngừa côn trùng.

Trong hơn 600ha mãng cầu của HTX Minh Trung, 100ha đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng 3.000 tấn/năm.

Nhận thấy sự quan tâm của người tiêu dùng về nông sản an toàn, chất lượng cao và nhu cầu ngày càng tăng với những sản phẩm này, gần đây, HTX Minh Trung đã có định hướng chuyển dần sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ.

Trước mắt, HTX Minh Trung đã chuyển sang sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ trên diện tích khoảng 30ha. Các sản phẩm mãng cầu sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Ngoài thị trường nội địa, HTX đã bắt đầu xuất khẩu được mãng cầu.

 

Để thành công trong việc sản xuất theo hướng hữu cơ trên diện tích 30ha, thời gian qua, HTX Minh Trung đã có sự chuẩn bị kỹ càng về phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Thành viên HTX Minh Trung tưới chế phẩm hữu cơ cho cây mãng cầu. Ảnh: Trần Phi.

Thành viên HTX Minh Trung tưới chế phẩm hữu cơ cho cây mãng cầu. Ảnh: Trần Phi.

Anh Lê Minh Trung cho biết, HTX có may mắn là các thành viên và nhân sự là những người còn trẻ, năng động và nhiệt huyết. Những người trẻ của HTX rất say mê tìm tòi những sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ, sinh học.

Với niềm đam mê đó của những người trẻ, thời gian qua, HTX Minh Trung đã chú trọng áp dụng nông nghiệp tuần hoàn vào sản xuất. Cụ thể, HTX thu mua những phế phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như phân bò, cá tạp đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng, mật rỉ đường từ nhà máy mía đường…

Các loại phế phẩm này được ủ bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để sản xuất ra những loại phân hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học có hiệu quả tốt trong sản xuất mãng cầu. Trong đó, mật rỉ đường được chế biến thành phân bón lá, đạm cá tạo ra phân bón gốc với hàm lượng dinh dưỡng cao, khi sử dụng thêm các loại thảo dược như gừng, sả, ớt... sẽ tạo ra chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học có hiệu quả. 

Cách ủ phế phẩm nông nghiệp bằng IMO để tạo ra phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học đã được HTX hướng dẫn cho các thành viên thực hiện một cách thành thạo. Qua đó, giúp các thành viên HTX mạnh dạn sản xuất mãng cầu theo hướng hữu cơ mà không sợ bị mất mùa, giảm năng suất so với khi còn sản xuất bằng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Bên cạnh đó, HTX đẩy mạnh áp dụng các biện pháp vật lý như tiến hành bao trái, dùng bẫy côn trùng… nhằm gia tăng khả năng bảo vệ trái mãng cầu trước nhiều loại côn trùng gây hại bằng các biện pháp không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.