Măng sặt đầu vụ đắt như tôm tươi

Măng sặt đầu vụ đắt như tôm tươi

20:07 - 03/04/2024

YÊN BÁI Từ loài cây mọc tự nhiên trong rừng, giờ đây cây sặt được trồng thành vùng, không những giúp đồng bào Mông có thu nhập hàng chục triệu đồng mà còn góp phần giữ rừng.

Thả rong để nuôi tép, làm chơi, ăn thật
Những giống lúa bản địa của người Mường đang dần biến mất
Loại củ đang vào mùa ở Việt Nam, giá rẻ, nhiều người thích nhưng cực độc nếu ăn sai cách
Đạt 9,2 tỷ USD sau 11 tháng, xuất khẩu thủy sản 2024 tự tin cán mốc 10 tỷ USD
Lý do bất ngờ khiến giá cà phê 'bùng nổ', Đắk Nông một mình đưa giá cà phê lên mốc cao mới

Trước đây, cây sặt chủ yếu chỉ mọc tự nhiên trên rừng nên sản lượng măng sặt thu hái không nhiều. Nhận thấy lợi ích kinh tế từ măng sặt, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân vùng cao huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) chủ động trồng sặt thành vùng, thực hiện sơ chế sản phẩm để tăng thu nhập và đa dạng hóa sản phẩm từ măng.

Hiện nay huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã có gần 150ha trồng cây sặt lấy măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã có gần 150ha trồng cây sặt lấy măng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, toàn huyện Trạm Tấu có gần 150ha trồng cây sặt lấy măng (tăng 26ha so với năm 2023), trong đó diện tích nhiều nhất tập trung ở các xã Túc Đán, Bản Công, Hát Lừu, Xà Hồ với năng suất đạt 47 tạ/ha, sản lượng đạt 682.000 tấn/năm.

Ông Lò Văn Dương – cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ cho biết, thấy được hiệu quả kinh tế từ măng sặt, bên cạnh những diện tích tự nhiên sẵn có từ trước, nhiều hộ dân trong xã đã phát triển cây bản địa này. Để mở rộng diện tích, cán bộ khuyến nông thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế măng sặt. Đến nay, cả xã có 13ha trồng măng sặt, trong đó diện tích trồng mới là trên 7ha. Hiện nay bà con nông dân vẫn đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng ở một số khu vực có điều kiện đất đai thuận lợi.

Gia đình ông ông Giàng A Hảng ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ trồng cây sặt lấy măng từ năm 2019, đến nay đồi sặt gần 1ha của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch. Cây sặt phù hợp với khí hậu vùng cao nên rất dễ trồng, gần như không bị sâu bệnh hại, cũng không cần bón phân, cứ trồng tự nhiên, khoảng 4 – 5 năm là được thu hoạch. Măng sặt có thân nhỏ và thẳng, búp măng to hơn đầu ngón tay cái người lớn, được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng, dày.

Măng sặt đầu vụ có giá cao, từ 70.000 - 80.000 đồng/kg măng vỏ. Ảnh: Thanh Tiến.

Măng sặt đầu vụ có giá cao, từ 70.000 - 80.000 đồng/kg măng vỏ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Hảng chia sẻ, măng sặt chỉ mọc rộ lên trong khoảng tháng 3 đến tháng 5, giá măng đầu vụ đắt như tôm tươi, có lúc 70.000 – 80.000 đồng/kg măng vỏ và giảm dần khi vào chính vụ, giá dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. Măng sặt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu khá ổn định (gần 80 triệu đồng/năm) mà gần như không phải mất chi phí đầu tư, chăm bón.

 

Thời điểm này đang vào mùa thu hái măng sặt nên không khó bắt gặp hình ảnh bà con đeo gùi lên núi hái măng. Sau khi thu hoạch, bà con bó măng sặt thành từng bó nhỏ để bán cho thương lái hoặc mang xuống chợ huyện. 

Phần lớn măng sặt sau thu hoạch được sử dụng ăn tươi và được người tiêu dùng ưa chuộng vì ăn ngọt, giòn, thơm ngon, lại đảm bảo an toàn thực phẩm. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều món ăn như luộc, nướng, om sườn, xào tỏi…

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu mang đi xa làm quà của du khách, măng sặt còn được bà con bóc vỏ, rửa sạch để ráo nước và hút chân không để bảo quản, duy trì độ tươi ngon.

Trồng sặt lấy măng mang lại thu nhập khá và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Thanh Tiến.

Trồng sặt lấy măng mang lại thu nhập khá và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết, cây sặt phân bố rất rộng ở trên núi, thường mọc lẫn với các cây bụi, nếu được chăm sóc hợp lý có thể thành rừng và cho sản lượng cao. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp huyện đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây sặt lấy măng về mật độ, tỉa thưa, kỹ thuật bón phân và lượng phân bón; kỹ thuật chăm sóc cây theo từng chu kỳ, cách phòng trừ một số sâu bệnh...

Bình quân mỗi ha trồng cây sặt có thể cho 4 - 6 tấn măng/năm nếu chăm sóc tốt. Hiện nay, huyện Trạm Tấu đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng diện tích trên đất đồi rừng trống, qua đó vừa giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.