Một buổi sáng thức giấc giữa vườn cam đang độ chín vàng

Một buổi sáng thức giấc giữa vườn cam đang độ chín vàng

15:46 - 07/12/2024

Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.

Giá tiêu đang khó đoán, các thị trường tăng cường lấy hàng đủ đến tận quý I/2025
Nông dân Phú Thọ gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Gỡ vướng về chuyển đổi đất lúa
Thương lái giảm đặt cọc hoa Tết
Kỳ vọng về gói kích thích tài khoá bổ sung tại Trung Quốc, giá cao su tiếp tục tăng 'nóng'
Vùng đất phèn mặn, nông dân Bạc Liêu trồng giống lúa gì mà tốt bời bời, dưới nước tôm càng to bự bơi vô số?
Túp lều ở giữa vườn của vợ chồng anh Lương Văn Thảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Túp lều ở giữa vườn của vợ chồng anh Lương Văn Thảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây tiếp cây, đồi tiếp đồi. Bên dưới là lớp cỏ xanh còn đẫm sương đêm long lanh dưới nắng như những hạt cườm. Bên trên là đỉnh núi mây mù bao phủ như một dải khăn quấn ngang, ấp ôm lấy trời và đất. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành ấy, không nghĩ rằng mình lại đang ở giữa vườn cam bởi chẳng có vương chút mùi hóa chất nào. Trong khi ấy chỉ cách một quãng đường đi bộ lưng chưa đủ rịn mồ hôi, mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc đến choáng váng. 

Anh Lương Văn Thảo, chủ vườn cam ở xóm Má 1 xã Bắc Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) kể mình vốn là bạn học của chị Vũ Thị Lệ Thủy – Giám đốc HTX 3T Nông sản Cao Phong (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) rồi tham gia làm thành viên của HTX được 3 năm nay dù trước đó đã trồng cam được hơn 10 năm.

“Cũng là một cái duyên bởi Thủy với em vốn là bạn bè, khi bạn rủ vào HTX thì em đồng ý, trước hết là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu độc hại cho chính bản thân của mình đã. Trước đây làm ăn kiểu cá thể, chưa am hiểu về khoa học, em cũng gặp phải một số thất bại, đặc biệt là rất chật vật khi bán cam, phải đem hàng ra chợ, giá cả bấp bênh.

Khi vào HTX, Thủy nhận bao tiêu hết, em không phải lo khoản đầu ra nữa. Hiện nay chúng em không chỉ trồng cam mà đang phát triển thêm du lịch trải nghiệm, giúp thu nhập cao hơn một chút nữa. Trước hết khách đến đây để tin tưởng sản phẩm mình làm ra là an toàn, theo chuẩn VietGAP”, anh Thảo tâm sự.

Anh Lương Văn Thảo bên vườn cam trĩu quả được canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Lương Văn Thảo bên vườn cam trĩu quả được canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đang lúi húi thịt gà ngoài vách nứa đãi khách sau khi bắt cá dưới ao nhưng bất thành, vợ anh Thảo nói vọng vào: “Trước đây chúng em cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện làm cam sạch này đâu nhưng bố chồng em đi lính, bị nhiễm chất độc màu da cam, sau thành ung thư rồi mất. Bọn em thấy thế cũng sợ các loại hóa chất như thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu nên mới quyết định chuyển sang trồng cam sạch để vừa bảo vệ sức khỏe của mình, vừa bảo vệ sức khỏe của mọi người.

Nói thật với anh đi theo cam sạch này vất vả hơn bình thường vì hạn chế thấp nhất phun thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh nên quả rụng nhiều hơn, mã xấu hơn nhưng được cái sức khỏe được cải thiện. Anh thấy em làm vườn mà vẫn phải uống mật ong để giảm béo là biết khỏe thế nào rồi đấy…”, nói đến đây vợ anh Thảo cười vang - tiếng cười sảng khoái của một người lạc quan và yêu đời.

Vợ chồng anh Thảo sống trong căn lều dựng giữa vườn như thế này từ hồi còn chưa biết đến cây cam. Dù nhà ở xóm cách lều ở vườn 3km nhưng ngày ngày họ chỉ về đưa con đi học rồi lại ra vườn, làm miệt mài từ sáng đến tối rồi ngủ lại luôn.   

Ngày xưa gia đình anh nghèo nhất nhì xóm, nhà sàn vách nứa, mái tranh thủng ban đêm còn nhìn thấy cả sao trời. Có đợt gió thổi bay cả mái nhà, họ chỉ che tạm tấm bạt vì còn bận đi làm thuê để kiếm sống, nếu đánh tranh làm lại mái thì mất thời gian. Nhưng sau đó một cơn mưa giông thốc bay cả tấm bạt, trong nhà lúc đó chỉ có mỗi cái tủ hồi môn là khô ráo nên vợ anh Thảo sau khi nhét hết quần áo của con vào thì đã chật, đến lúc quần áo của vợ chồng chỉ nhét mỗi người một bộ để sau cơn mưa có cái mà thay.

Lương Văn Thảo tự hào bên những quả cam ngon và an toàn của vườn nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lương Văn Thảo tự hào bên những quả cam ngon và an toàn của vườn nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Từ ngày vào HTX sản xuất không sợ đầu ra nên chúng em cứ tự tin mà làm, phân bón thì chủ yếu là phân chuồng trộn cùng với mật mía, humic, vi sinh, lân để ủ, sau đó bón lót cho cây. Phân hóa học thì chúng em dùng NPK Lâm Thao để bón thúc bởi lẽ NPK Lâm Thao rất phù hợp với vùng đất đồi nơi đây, cho cam năng suất cao, chất lượng tốt. Mỗi năm chúng em phun trị nhện đỏ một lần, phun trị xén tóc đẻ trứng thành sâu đục thân một lần nhưng từ tháng 7 trở đi đến lúc thu hái là không phun nữa, chỉ dùng bẫy bả để diệt ruồi vàng đục quả thôi”, anh Thảo tâm sự.

Năm 2023, vợ chồng anh thu được 13 tấn cam, bán cho HTX 3T Nông sản Cao Phong với giá 19.000đ/kg, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi được khoảng 150 triệu đồng nên họ chẳng đoái hoài gì đến việc đợt sốt đất vừa qua người ta tới trả tới 7 tỷ đồng cho khu đồi của nhà mình.

Cứ vào đầu mỗi tháng, các thành viên trong HTX 3T Nông sản Cao Phong lại hẹn đi thăm vườn nhau, cùng bảo nhau cái tốt thì phát huy, cái xấu thì khắc phục. Ở bên ngoài thì trong các cuộc trà, cuộc rượu với những người trồng cam cùng xóm họ bảo nhau cùng diệt ruồi vàng, bọ xít, ngài để có được hiệu quả cao nhất, chứ đừng đánh riêng lẻ rồi chúng lại lây lan, sinh sôi...