Một doanh nghiệp muốn bao tiêu gần 68% diện tích lúa Đông Xuân phat trien
22:48 - 09/03/2024
Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ đặt vấn đề liên kết bao tiêu trên 43.300ha lúa đông xuân 2023 - 2024 của Cần Thơ.
Giá cà phê đột ngột giảm cuối tuần, cà phê Đắk Lắk tụt xuống thấp gần bằng Lâm Đồng
Chuyển đổi hữu cơ ở vùng chè được dãy Tam Đảo che chở
Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn
Công nghệ chế biến lúa gạo thu hút sự quan tâm
Ngày 21/2, Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức họp trao đổi về giải pháp liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 cho bà con nông dân, HTX trên địa bàn 3 huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT thành phố, vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, 3 địa phương trên xuống giống trên 63.800ha. Trong đó, gần 20.500ha đã được 10 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ, gần 68% diện tích còn lại (tương đương trên 43.300ha) chưa kết nối được với doanh nghiệp.
Đại diện Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát đã đặt vấn đề với với Sở Công thương TP Cần Thơ, mong muốn liên kết bao tiêu toàn bộ trên 43.300ha diện tích còn lại.
Ông Ngô Hữu Phát, Giám đốc Công ty Thiện Phát cho biết, trong năm 2023 doanh nghiệp đã thực hiện liên kết thu mua và bao tiêu trên 600.000 tấn lúa ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL.
Để tạo niềm tin giữa doanh nghiệp và bà con nông dân trong mối liên kết này, ông Phát đưa ra phương thức liên kết đã được doanh nghiệp thực hiện thành công tại nhiều địa phương.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chốt giá cố định với nông dân theo giá thị trường từ đầu vụ. Khoảng 10 – 15 ngày trước thời điểm thu hoạch, nếu giá lúa tăng, doanh nghiệp sẽ tăng 200 – 500 đồng/kg cho bà con nông dân. Thậm chí là tăng thêm gần 2.000 đồng/kg trong thời điểm giá lúa tăng cao thời gian qua. Trường hợp giá lúa sụt giảm bà con nông dân cũng đồng thuận giảm giá một phần cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi doanh nghiệp đã nhận được lúa, sẽ hỗ trợ tiếp tục 50 đồng/kg để tạo động lực cho nông dân, HTX gắn kết với đơn vị.
Doanh nghiệp này cũng quyết tâm không thực hiện thu mua lúa thông qua thương lái để tránh rủi ro. Thay vào đó “đi từng ngõ, gõ từng nhà” liên kết trực tiếp với nông dân và HTX, chia sẻ hài hòa lợi nhuận.
Nói về những khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, hiện nay giá lúa thời điểm thu hoạch rộ luôn có sự biến động. Điều này gây khó khăn và ảnh hưởng đến quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với giá ổn định.
Hơn nữa, giá cả thu mua giữa các doanh nghiệp không thống nhất tạo nên tâm lý so sánh trong nội bộ nông dân. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cũng như gắn kết lâu dài với nông dân, dẫn đến tỷ lệ thu mua của một số doanh nghiệp hiện đạt thấp.
Nhìn thực tế từ góc độ địa phương, ông Huỳnh Văn Bằng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cờ Đỏ đặt vấn đề: Vì sao nông dân không ngồi lại được với doanh nghiệp mà phải thông qua khâu trung gian thứ ba là thương lái?
Theo ông Bằng, huyện Cờ Đỏ đã triển khai thực hiện chính sách liên kết tiêu thụ lúa từ năm 2010 – 2011, việc liên kết bao tiêu diễn ra rất suôn sẻ do điều kiện nhà máy trên địa bàn ít. Thế nhưng gần đây, khu vực nào thực hiện hoạt động chế biến lúa gạo nhiều việc bao tiêu lại gặp khó khăn.
Đặc biệt, có những trường hợp lúa ngoài đồng chưa sạ hoặc vừa gieo sạ được 5 – 7 ngày đã có những ‘hàng xáo’ đến liên hệ đặt cọc thu mua lúa với số lượng lớn, không theo giá thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp liên kết.
“Một ngày có 2 – 3 giá lúa là chuyện bình thường, điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chuyên môn ở địa phương. Do đó, doanh nghiệp muốn làm tốt việc bao tiêu, phải giữ được giá cả ổn định, tránh tình trạng thu mua lúa từ ban đầu”, ông Bằng bày tỏ quan điểm.
Để tránh lặp lại tình trạng này, ông Bằng kiến nghị Sở Công thương TP Cần Thơ tham mưu lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cũng tham gia giải quyết vấn đề này.
Vụ đông xuân 2023 – 2024, trên địa bàn 3 huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai đã duy trì và thực hiện 135 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 23.700ha với 14.245 hộ tham gia.