Một nước Đông Nam Á muốn mua tới 4,1 triệu tấn gạo, giá gạo của Việt Nam thêm "nóng"
18:22 - 19/03/2024
Báo cáo cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn. Thông tin này lập tức giúp giá gạo Việt Nam tạm chấm dứt chuỗi đà giảm.
Giá cà phê đột ngột giảm cuối tuần, cà phê Đắk Lắk tụt xuống thấp gần bằng Lâm Đồng
Chuyển đổi hữu cơ ở vùng chè được dãy Tam Đảo che chở
Bức tranh trái chiều trong xuất khẩu sắn
Công nghệ chế biến lúa gạo thu hút sự quan tâm
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 584 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng loại Thái Lan và Pakistan lần lượt là 31 USD/tấn và 15 USD/tấn.
Trong khi đó, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.800 đồng/kg, giá bình quân là 7.679 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 125 đồng/kg, ở mức 8.808 đồng/kg; giá cao nhất là 9.250 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhiều loại lúa tăng từ 200 - 300 đồng/kg. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.800 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 từ 7.800 - 8.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.700 - 7.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 từ 7.400 - 7.500 đồng/kg; OM 5451 từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Báo cáo cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn.
Với dự báo mới này, mức nhập khẩu của Philippines trong năm nay cao hơn đến 600.000 tấn gạo so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này (trước đó vào năm 2022 nhập khẩu gạo đạt kỷ lục 3.826 triệu tấn).
Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng, USDA cho hay, nước này tăng nhập vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa.
Theo báo chí Philippines, chỉ riêng trong tháng 2 năm nay, nhập khẩu gạo của nước này đạt 303.603 tấn, cao hơn 113,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Philippines đã nhập khẩu 728.254 tấn gạo, cao hơn gần 85% so với cùng kỳ năm 2023. Có đến 391.000 tấn gạo, tương đương 54% gạo của Philippines được nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, trong năm 2023 Việt Nam cũng là nguồn cung gạo lớn nhất cho Philippines khi chiếm tới 80% thị phần gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Được biết, trong năm 2024, để đảm bảo nhu cầu gạo nhập khẩu, từ đầu năm chính quyền Philippines đã cấp 1.009 giấy phép cho các nhà nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận với Việt Nam trong 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn cho Philippines. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng “hứa” sẽ bổ sung nguồn cung gạo cho Philippines bất chấp lệnh cấm nhập khẩu gạo non-basmati.
Ngoài Philippines, khách hàng nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia gần đây cũng thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn và đạt tổng sản lượng gạo nhập khẩu là 3,6 triệu tấn.
Việc Philippines và Indonesia tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu đã tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu.
Để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thu mua, tạm trữ, xuất khẩu gạo, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Không để xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa, gạo tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình của ngân hàng.
Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đảm bảo kịp thời, hỗ trợ tính mùa vụ trong sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa, gạo; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.