Mường La phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch và bền vững
09:51 - 09/07/2024
Những năm qua, huyện Mường La (Sơn La) đã tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.
Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
Cây cà gai leo - 'vàng xanh' vùng đất cằn
Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng
Nhiều hoạt động hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL
Sản phẩm nông nghiệp huyện Mường La đáp ứng thị trường xuất khẩu
Mường Bú là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện Mường La với 1.800 ha xoài, nhãn, mít, táo, bưởi, mận, cam, vải thiều, chuối..., sản lượng đạt trên 11.500 tấn quả/năm. Trao đổi với phóng viên, ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã vận động các hộ dân ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc cây ăn quả, tạo sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, diện tích cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng xuất khẩu của xã đạt hơn 580 ha, trong đó hơn 400 ha chuối. Năm 2023, sản lượng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 400 tấn.
Ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, cho biết: HTX có trên 70 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 16 ha táo được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân đạt 18-22 tấn/ha, với giá bán 50 nghìn đồng/kg. Sản phẩm táo đại của HTX đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao và được cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh. Doanh thu năm 2023 đạt 20,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng.
Đến thăm gia đình ông Vũ Đăng Kế, tiểu khu 2 (xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), thời điểm này các thành viên trong gia đình ông đang tất bất cắt xoài để đưa lên xe đi tiêu thụ. Gia đình ông có 2 ha xoài sản xuất theo quy trình hữu cơ, nhờ sản xuất theo quy trình sạch nên giá cả bán cũng được cao hơn. Hiện nay sản phẩm xoài của gia đình ông được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tháng 8/2019, ông Kế cùng 13 hội viên nông dân góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp Mường Bú. HTX có 28 ha xoài, 12 ha nhãn và 12 ha cây có múi. Những năm qua, HTX đã vận động các hộ thành viên chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP.
HTX tập trung tiêu thụ nội địa, thông qua chuỗi liên kết với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan... Từ đầu vụ đến nay, HTX tiêu thụ được trên 130 tấn xoài, trong đó, có trên 60 tấn xuất sang Trung Quốc.
Từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã tạo việc làm ổn định cho các thành viên, thu nhập trung bình đạt 200 triệu đồng/thành viên/năm. Ngoài ra, còn tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40 lao động địa phương...
"Sản xuất theo quy trình VietGAP rất vất vả và cầu kỳ, nhưng đó là xu thế, yêu cầu của thị trường nên bắt buộc ai cũng phải theo. Nếu không làm được, sản phẩm sản xuất ra sẽ khó cạnh tranh và giá thấp. Các khâu từ làm đất đến tỉa cành, tạo tán, bón phân, bao trái… đều phải đảm bảo đúng kỹ thuật và có sổ theo dõi định kỳ, thành viên nào phun thuốc, làm cỏ, bón phân ngày nào phải ghi chép đầy đủ", ông Kế nói.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Đến nay, huyện Mường La có 855,7 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng. Trong đó, 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha xuất khẩu Trung Quốc, thị trường EU và tiêu thụ tại các siêu thị: BigC, Vinmart, Lotte, AEON,Co-op Mart, Metro và nhiều cửa hàng rau, củ, quả sạch trong và ngoài tỉnh. Sản lượng quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm ước 1.565 tấn/năm, chủ yếu là xoài, chuối, táo, nhãn; có 284 lồng cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản lượng khoảng 180 tấn/năm.
Toàn huyện duy trì 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, là gạo nếp tan Ngọc Chiến, sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, mật ong đá Chiềng Lao; 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là thịt bò hun khói Thúy Sương, táo đại Hưng Thịnh; 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp huyện là trà hoa đu đủ, thúa ố Mường Chùm. Rà soát các sản phẩm có tiềm năng phát triển, như: Cá chép gù Ngọc Chiến, rượu cần men lá, cá chua, cá mẳm, chả cá sông Đà, ruốc cá, trà táo mèo, chuối lắc phô mai, thịt lợn "một nắng" để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, phát huy trồng cây ăn quả theo hướng thế mạnh của từng vùng, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Tập trung triển khai tốt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các HTX với doanh nghiệp về tiêu thụ quả; vận động HTX, doanh nghiệp quan tâm thu mua, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả.
UBND huyện và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng giúp các HTX tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, in nhãn mác, mua bao bì mới đóng gói sản phẩm; tuyên truyền quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản, in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ phát triển nuôi lồng cá ở xã Ngọc Chiến...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Mường La có 700 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng, như xoài, cây mận, chuối, dứa... theo chuỗi liên kết phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; sản lượng đạt 20.100 tấn; trong đó 4.690 tấn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn.
Từ Nghị quyết của Đảng bộ huyện và các chính sách hỗ trợ, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện Mường La phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến với người tiêu dùng.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, huyện Mường La đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, sản phẩm an toàn. Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư liên kết với các HTX nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường.